(TNO) Với sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, chiều 8.3, PV Thanh Niên Online ở nhiều hướng xuất phát đã tham gia hành trình tìm kiếm tung tích chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines được cho là mất tích vào sáng 8.3.
|
Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia mất tích
Khi phóng viên Thanh Niên có mặt tại sân bay Cần Thơ, đội bay của Trung đoàn không quân 917, Sư đoàn Không quân 370 đang cơ động huấn luyện tại sân bay Cần Thơ đã sẵn sàng đợi lệnh xuất phát.
Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng, cho biết đơn vị này đã chuẩn bị 3 máy bay Mi 171 (số hiệu 02, 04 và 431), lắp thêm thùng dầu phụ, và các tổ bay đợi lệnh. Theo đại tá Quang, tất cả anh em trong tổ bay đều là những người có nhiều kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn trên biển xa, hải đảo trong mọi điều kiện thời tiết…
Đến 15 giờ ngày 8.3, nhận được lệnh xuất phát, các trực thăng 02 và 04 được điều về hướng Cà Mau, nơi gần vùng biển chiếc máy bay Malaysia mất tích. Đại tá Trần Văn Quang trực tiếp chỉ huy chuyến bay này.
Có mặt trên chuyến bay 02, phóng viên Thanh Niên đã ghi nhận sự khẩn trương của từng thành viên trong đội bay.
Đến 15 giờ 55, các trực thăng đã đến sân bay Cà Mau để tiếp tục nhận nhiệm vụ cứu hộ. Tọa độ xác định là ở vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia. Đại tá Quang cho biết, thông tin được báo về đã phát hiện dấu vết nghi là vết dầu loang có chu vi khoảng 20 km, cách nhà giàn DK1 -10 khoảng 50 km, thuộc Bãi cạn Cà Mau.
Trong khi đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất, được sự đồng ý của Quân chủng Phòng không - Không quân, PV Thanh Niên Online đã có mặt trên chuyến bay cứu hộ tìm kiếm máy bay Boieng 777-200 của hãng hàng không Malaysia do Lữ đoàn không quân 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân) thực hiện trên biển Đông.
|
Đúng 15 giờ, chiếc máy bay vận tải quân sự AN 26 số hiệu 261 do thượng tá Vũ Đức Long làm cơ trưởng, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất bay ra khu vực cứu nạn. Có 8 thành viên, gồm cơ trưởng, cơ phó và các thành viên trong đoàn.
Hành trình của máy bay là từ TP.HCM bay qua Cần Thơ, Cà Mau và cuối cùng là điểm nghi ngờ máy bay của hãng Malaysia bị mất tích.
Ngoài ra, trong đoàn tìm kiếm còn có ông Nguyễn Tấn Đức - kiểm soát viên không lưu của Công ty Quản lý bay Miền Nam.
Ông Đức cho biết trong những chuyến bay đột xuất thế này, đài không lưu ở mặt đất sẽ có nhiệm vụ dẫn dắt máy bay tới khu vực tìm kiếm, sau đó phi hành đoàn sẽ quan sát bằng mắt thường. Sau khi việc tìm kiếm kết thúc, đài không lưu ở mặt đất sẽ “dắt” máy bay đất liền.
|
|
Kết quả tìm kiếm cho thấy đã phát hiện ra hai vệt màu sẫm được nghi ngờ là vệt dầu loang (có vệt dài tới 15 - 20 km) ở gần nơi nghi ngờ máy bay bị rơi.
Tọa độ tìm kiếm nằm cách bán đảo Cà Mau 240-250km và cách Malaysia khoảng 190 km. Được biết, ngoài chuyến bay có mặt PV Thanh Niên Online, một chuyến bay AN26 số hiệu 286 do thượng tá Hoàng Văn Phòng làm cơ trưởng cũng bay ra tìm kiếm ở khu vực này.
Có mặt trên chuyến bay, thượng tá Phú Nhân Dân cho hay thời gian bay tối đa của máy bay AN là 5 giờ 30 phút nếu dùng thùng dầu phụ. Tốc độ bay khoảng 320-330 km.
Thượng tá Dân cho biết trong quãng đời phục vụ binh nghiệp của mình, đây là lần đầu tiên ông tham gia một chuyến bay cứu hộ máy bay bị nạn.
Tìm kiếm bằng mắt thường dấu vết máy bay Malaysia mất tích
“Thường thì anh em chỉ tham gia cứu hộ tàu bị nạn ở biển Đông, cứu hộ tàu cá của ngư dân”, thượng tá Dân nói.
Theo thượng tá Dân, trong lần tìm kiếm cứu nạn này, chiếc máy bay sẽ bay ra tọa độ tìm kiếm, nếu phát hiện máy bay bị nạn và người cần cứu hộ, máy bay sẽ ném phao tiến hành ứng cứu.
Thượng tá Hà Ngọc Ngữ, có nhiệm vụ dẫn đường cho chuyến bay tìm kiếm, cho biết máy bay sẽ bay trong vòng 3 giờ 30 phút, với tổng quãng đường bay hơn 1.300 km.
Phạm vi tìm kiếm trong lần này mà Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với cơ quan cứu nạn Malaysia thực hiện có bán kính hơn 400 km.
Đúng 16 giờ 10 phút, máy bay có mặt tại khu vực cứu nạn. Thượng tá Long ra lệnh hạ độ cao máy bay xuống còn 2.400 mét so với mặt nước biển và đề nghị thành viên trong đoàn tiến hành tìm kiếm.
Vết có màu sẫm bị nghi là vết dầu loang - Ảnh do thành viên trong đoàn tìm kiếm cung cấp
Lúc này bằng mắt thường, các thành viên trong đoàn tìm kiếm có thể nhìn thấy được tàu bè qua lại ở dưới biển. Thượng tá Long cho biết độ cao máy bay ở khu vực tìm kiếm là khoảng 2.400 mét. Máy bay không thể bay thấp hơn vì trong khu vực tìm kiếm, cơ quan cứu nạn của Malaysia cũng điều 3 máy bay tìm kiếm ở độ cao 1.500 mét.
“Dù có hai dấu hiệu nghi ngờ nhưng máy bay không thể bay thấp hơn vì dưới đó đang có máy bay của Malaysia cũng đang tìm kiếm. Nếu không có máy bay của Malaysia, chúng tôi có thể hạ xuống độ cao 500 mét, thậm chí 200 mét, lúc đó sẽ nhìn rõ hai vệt đó là hai vệt gì”, thượng tá Long nói.
Đến khoảng 18 giờ 20 phút, máy bay AN 26 số hiệu 261 đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc việc tìm kiếm trong ngày 8.3.
Đại diện Lữ đoàn 917 và 918 cho biết trong sáng ngày mai (9.3) sẽ có hai chuyến bay được điều ra khu vực tìm kiếm. Hai chuyến bay này sẽ được trang bị ống nhòm quân báo và trang thiết bị ghi hình tối tân để ghi rõ hình ảnh vệt loang trên biển.
19 giờ 30 phút tối 8.3, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5 cho biết: Dù có thông tin phát hiện vết dầu loang trên vùng biển phía nam bãi cạn Cà Mau nhưng Hải quân Vùng 5 chưa nhận được lệnh thay đổi hướng cứu nạn cứu hộ.
Các tàu của Hải quân vùng 5 vẫn đang trên hành trình ra vùng biển cách đảo Thổ Chu (H.Phú Quốc) 153 hải lý (gần 300 km) để tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn máy bay Malaysia được xác định mất tích ở khu vực này. Dự kiến đến 6 giờ 30 ngày 9.3, tàu cứu hộ cứu nạn của Hải quân Vùng 5 mới đến được vị trí nghi ngờ máy bay bị nạn. Hai tàu hải quân vùng 5 có số hiệu là HQ 954 và HQ 637 đã rời căn cứ Vùng tại Phú Quốc, theo kế hoạch 15 tiếng sau các tàu này sẽ có mặt tại khu vực biển kể trên và bắt đầu các hoạt động tìm kiếm. Các tàu này khi đến vùng biển kể trên sẽ sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để dò, tìm trên biển; trên tàu có các xuồng cứu sinh, thuốc men và nhiều dụng cụ y tế; về lương thực thực phẩm đủ thức ăn tươi cho 1 tháng và thức ăn khô cho 3 tháng trên biển. Trong khi đó, đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển vùng 4 cho biết, 2 tàu của Cảnh sát biển Vùng 4 là CSB 2001 và CSB 2002 đang hoạt động tại Ty Nam Côn Sơn và Đảo Hòn Khoai trên hành trình trở về đã được lệnh quay trở lại vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia để cứu hộ. Khi tới vùng biển này, 2 tàu sẽ triển khai ngay các hoạt động tìm kiếm trong phạm vi hơn 130 km2. Tuy nhiên, theo đại tá Lê Văn Minh, công tác tìm kiếm sẽ rất khó khăn, do máy bay có thể rơi trong phạm vi rộng với bán kính khoảng 130 km2 ở vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia; hướng gió và dòng chảy có thể liên tục thay đổi. Đình Tuyển - Mai Thanh Hải |
Bài, ảnh: Trung Hiếu - Tiến Trình
>> Vụ máy bay Malaysia mất tích: Thân nhân chờ đợi trong hoảng loạn
>> Vụ máy bay Malaysia mất tích: Máy bay quân đội Việt Nam đã bay đi ứng cứu
>> Boeing 777 là loại máy bay có độ an toàn cao
>> Vụ máy bay Malaysia mất tích: Cơ trưởng có kinh nghiệm 18.365 giờ bay
>> Máy bay Boeing 777-200 mất liên lạc là 'hết sức bất thường
>> Trung Quốc điều tàu tìm máy bay Malaysia mất tích
>> Việt Nam chủ động triển khai biện pháp cứu máy bay Malaysia
>> Máy bay Malaysia mất tích: Phần đông là người Trung Quốc, Malaysia
>> Malaysia Airlines định thay nhiều máy bay già nua
>> Máy bay Malaysia mất tích trên hải phận, không phận Malaysia
Bình luận (0)