Tại World Cup 2022, Qatar đưa vào sử dụng công nghệ xác định việt vị bán tự động mới có tên SAOT (Semi-Automated Offside Technology) và ngay trong trận khai mạc giữa đội tuyển nước chủ nhà và tuyển Ecuador đã có dịp phô diễn khả năng. Đây thực chất là một tiện ích mở rộng của VAR (Video Assistant Referee - công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video) với mục đích hỗ trợ các "vị vua áo đen" trên sân đưa ra quyết định chính xác hơn trong các tình huống nghi việt vị.
Tình huống xác định việt vị của công nghệ SAOT trong trận khai mạc World Cup 2022 |
Chụp màn hình |
Mấu chốt của SAOT là phần trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng dữ liệu địa lý để lập bản đồ vị trí của các cầu thủ mỗi khi quả bóng nhận lực tác động. Nếu AI xác định một cầu thủ đã việt vị, hệ thống sẽ gửi cảnh báo tới VAR, chỉ rõ điểm chạm ở bóng cũng như vị trí phạm luật. Sau khi kiểm tra thủ công cảnh báo trên, những người phụ trách VAR sẽ thông báo tới trọng tài để đưa ra quyết định cuối cùng trên sân.
Mỗi quả bóng dùng tại World Cup 2022 được tích hợp một cảm biến thu thập dữ liệu với tần suất truyền thông tin vị trí lên tới 500 lần mỗi giây. Cùng với đó là 12 camera theo dõi được gắn khắp sân vận động nhằm theo dõi hành trình của quả bóng cũng như 29 điểm khác nhau trên cơ thể cầu thủ (quét 50 lần một giây).
Trí tuệ nhân tạo đồng thời tạo đồ họa 3D thể hiện lằn ranh việt vị và vị trí của cầu thủ có liên quan trong tình huống, gửi lên màn hình trên sân vận động để người hâm mộ cùng theo dõi sau khi có quyết định từ tổ trọng tài.
Với sự trợ giúp của VAR, thời gian trung bình để trọng tài đưa ra quyết định là 70 giây. Còn với SAOT, không chỉ rút ngắn thời gian xuống 25 giây mà công nghệ này còn giúp xác định chính xác tình huống hơn. Pierluigi Collina - Chủ tịch Ủy ban Trọng tài của FIFA, người được xem là trọng tài bóng đá xuất sắc nhất thế giới mọi thời đại đã đánh giá SAOT là công nghệ giúp đưa ra quyết định "nhanh và chính xác hơn trên sân cỏ".
SAOT lần đầu được ứng dụng tại Cúp Arab diễn ra ở Qatar năm ngoái và đang được UEFA triển khai tại Champions League mùa này. Dù vẫn còn một số tranh cãi xung quanh tính chính xác của các quyết định có sử dụng SAOT, trong đó nổi lên vấn đề về thời gian.
Nhà báo Dale Johnson của kênh thể thao danh tiếng ESPN phát hiện ra có thể mất tới 1 hoặc hơn 2 phút khi xác định các tình huống ghi bàn có khả năng đã việt vị. Ví dụ, tiền đạo Harry Kane (người Anh) bị từ chối bàn thắng vào lưới đội Sporting Lisbon vì tổ trọng tài mất tới 4 phút gián đoạn để giải thích các điều khoản phụ của luật việt vị. Hay tranh cãi sau bàn thắng của cầu thủ Patrick Schick (CLB Bayer Leverkusen) ghi vào lưới Club Brugge. Cả hai trường hợp trên đều diễn ra tại Champions League năm nay.
Trở lại với SAOT tại World Cup 2022 khi "lập công" ngay trận khai mạc cũng đã cho thấy sự chậm trễ. Trọng tài từ chối bàn thắng của cầu thủ Enner Valencia (số 11 tuyển Ecuador) và video 3D quay chậm pha việt vị phải mất vài phút sau mới phát trên màn hình, cho thấy tình huống bóng phức tạp hơn thông thường.
Bình luận (0)