Khu hầm mỏ này đã được Tổ chức UNESCO hồi đầu năm công nhận là di sản chung của thế giới. Lúc đầu, phía Hàn Quốc phản đối mạnh mẽ và rồi nhượng bộ sau khi được phía Nhật Bản đáp ứng điều kiện tiên quyết là ở khu hầm mỏ phải xây dựng một khu trưng bày về thực trạng điều kiện sống và làm việc của những người Triêu Tiên bị Nhật Bản cưỡng bức lao động và bóc lột ở nơi này. Ngoài ra, Tokyo cam kết hằng năm tổ chức tại đây các nghi lễ tưởng niệm những công nhân đã lao động ở hầm mỏ này. Thật ra, đấy cũng có thể được coi là một ý tốt của phía Nhật Bản. Cả hai điều này đều đã được phía Nhật Bản báo cáo lên Tổ chức UNESCO.
Tuy nhiên, Hàn Quốc năm nay từ chối tham gia các nghi lễ tưởng niệm ở hầm mỏ Sado và khiến phía Nhật Bản thất vọng. Nhìn từ góc độ của Seoul thì những lý do để từ chối tham dự nghi lễ rất xác đáng. Những công nhân Triều Tiên từng bị cưỡng bức lao động và bóc lột, thiệt mạng và bệnh tật suốt đời ở nơi này không được Tokyo đề cập đến đích danh. Phía Nhật Bản bỏ qua cụm từ "cưỡng bức lao động" mà phía Hàn Quốc coi là một phần trong bản chất của vụ việc. Thêm vào đó, phía Nhật Bản còn mời cả một số chính khách từng tới viếng thăm ngôi đền Yasukuni đến tham dự các nghi lễ tưởng niệm.
Sự bất hòa mới này thực chất vẫn là chuyện quá khứ ám ảnh tương lai quan hệ Nhật - Hàn, gây khó cho hai bên vốn đang trong đà cải thiện song phương. Không những vậy, Tổ chức UNESCO cũng gặp không ít khó xử.
Bình luận (0)