Xe

Quá muộn vẫn hơn không

21/06/2023 10:19 GMT+7

Úc đang đứng trước bước ngoặt lịch sử khi Thượng viện nước này chấp thuận đề xuất của chính phủ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trong khoảng thời gian 6 tháng tới về việc dành cho người bản xứ quyền cùng tham gia quyết định chính sách của chính quyền.

Hiến pháp hiện hành ở Úc có hiệu lực từ năm 1901 và trong đó không hề đề cập gì đến cộng đồng người bản xứ. Mãi đến năm 1967, các quyền con người cơ bản của người bản xứ mới được luật pháp xác nhận. Hiện có khoảng 1 triệu người bản xứ trong tổng số khoảng 26 triệu dân ở Úc.

Quá muộn vẫn hơn không
 - Ảnh 1.

Thành viên một nhóm múa bản xứ tại Úc

REUTERS

Cho dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý đang bất định vì cộng đồng người bản xứ chỉ giành được tiếng nói quyền lực mới khi được đa số cử tri và ít nhất cử tri ở 4 trong 6 bang ủng hộ, thì đây đã là sự kiện lịch sử. Bản chất vấn đề ở đây là nỗ lực khắc phục tình trạng phân biệt đối xử đối với người bản xứ, đánh giá đúng và coi trọng vai trò và ảnh hưởng lịch sử của người bản xứ đối với sự hình thành và phát triển đến nay của quốc gia này. Ở đây đồng thời còn có chuyện khắc phục những sai lầm, thiếu sót và bất cập tồn tại dai dẳng trong hệ thống pháp luật của quốc gia và chính sách cầm quyền của các đảng phái chính trị không những chỉ gây bất lợi mà còn cả tổn hại cho cộng đồng người bản xứ ở Úc.

Hiện tại, sự phân biệt đối xử này vẫn còn trầm trọng ở Úc và khiến cho nội bộ xã hội bị phân rẽ. Không khắc phục được tình trạng ấy, Úc không thể có được sự đoàn kết thống nhất bền vững trong nội bộ xã hội để phát triển thịnh vượng và hài hòa với thế giới hiện đại. Để đến tận bây giờ mới khắc phục di sản tăm tối của quá khứ lịch sử thì đúng là muộn, thậm chí rất muộn hoặc quá muộn, nhưng vẫn còn hơn không. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.