Ông chủ kinh doanh gas đến từ Hà Giang nói như mếu rằng: Quy định mới về điều kiện kinh doanh gas tại Nghị định 19 Bộ Công thương khiến công ty ông không thể nào có được giấy phép. Vì muốn được đủ điều kiện làm thương nhân phân phối thì DN phải có giấy phép sang chiết, nạp gas vào chai. Nhưng muốn có được giấy phép sang nạp gas thì phải có... giấy phép thương nhân phân phối.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét những quy định kiểu "con gà - quả trứng" như trên không phải là hiếm. Các cơ quan quản lý thường biện minh họ phải làm vậy vì ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, sức khỏe cộng đồng, hay đạo đức xã hội. Có điều, thế nào là ảnh hưởng đến an ninh, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng hay đạo đức xã hội thì lại rất cảm tính, hoàn toàn tùy thuộc vào sự nhìn nhận của cơ quan ban hành hay cán bộ thực thi.
Theo danh mục tại luật Đầu tư thì hiện có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song thống kê của VCCI cho thấy còn khoảng 7.000 điều kiện kinh doanh. Nghĩa là, bình quân mỗi ngành nghề có hơn 200 điều kiện. So với con số 470 điều kiện trước ngày thi hành luật DN của 16 năm trước thì mới thấy các loại giấy phép con đã tăng lên chóng mặt. Điều đáng nói, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, có hơn 3.000 điều kiện kinh doanh trong số này là trái thẩm quyền, và các bộ vẫn vô tư ban hành như không biết có luật Đầu tư 2014.
Trong khi không phải đợi luật Đầu tư mới có quy định này mà ngay từ khi sửa luật DN 2005 cũng đã nêu rõ các bộ, địa phương không được ban hành điều kiện kinh doanh. Cũng có nghĩa là, nếu để các bộ tự rà soát, bãi bỏ các thông tư về điều kiện kinh doanh thì e rằng khó khả thi. Theo luật Đầu tư mới, từ 1.7.2016, các văn bản về điều kiện kinh doanh dưới nghị định sẽ bị “vô hiệu”. Thế nhưng, các thông tư đang được cấp tập “nâng cấp” lên nên về cơ bản, mọi chuyện không có gì thay đổi nhiều.
Từng 30 năm làm việc ở Bộ Tư pháp, TS Nguyễn Am Hiểu kể rằng chưa bao giờ ông thấy một cuộc xây dựng thể chế, mà chủ yếu là các nghị định về điều kiện kinh doanh, khẩn trương như thời gian này. Trong số hơn 30 nghị định mà ông Hiểu được Bộ Tư pháp mời tham gia thẩm định, vẫn còn tới 4.000 điều kiện kinh doanh được giữ lại. Con số này khiến ông phải nửa đùa nửa thật rằng, đọc xong 30 nghị định, nếu là DN thì ông cũng chẳng muốn kinh doanh nữa.
Chuyên gia Phạm Chi Lan mới đây đã phải kêu gọi Chính phủ cần làm gương bằng cách bãi bỏ đi một số điều kiện kinh doanh. Bởi một khi chỉ trông chờ vào việc để các bộ tự rút bớt điều kiện kinh doanh do chính họ ban ra thì chẳng khác nào "tự chặt chân mình".
Bình luận (0)