Những ngày cuối năm, lượng rác chở về Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Đà Lạt (xã Xuân Trường) ngày càng nhiều, tuy nhiên khâu xử lý rác đang bị “khựng” lại khiến cả ngàn tấn rác trước và sau xử lý bị dồn ứ.
Cả ngàn tấn rác bị dồn ứ - Ảnh: Lâm Viên |
Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Đà Lạt do Công ty TNHH môi trường Năng Lượng Xanh (TP.HCM) làm chủ đầu tư, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7.2015. Tổng mức đầu tư dự án này trên 381 tỉ đồng, đến nay đã đầu tư 145 tỉ đồng (giai đoạn 1) để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn có công suất thiết kế 200 tấn rác thải/ ngày. Ông Trần Uyên Diễn, Phó giám đốc Công ty TNHH môi trường Năng Lượng Xanh, cho biết từ khi nhà máy đi vào hoạt động, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 180 tấn rác.
Tuy nhiên cận Tết Bính Thân đang xảy ra tình trạng tồn đọng rác chưa xử lý kịp do thiếu công nhân. Để vận hành trôi chảy cần 70 công nhân, nhưng nay lượng lao động chỉ có khoảng phân nửa vì công nhân người địa phương bỏ việc để tìm việc khác, còn công nhân các tỉnh lại về quê ăn tết. Một nguyên nhân khác, nhà máy thường bị cúp điện, một số máy móc, xe cộ bị trục trặc nên việc phân loại, xử lý rác bị khựng lại. “Chỉ cần vài ngày cúp điện, hoặc hỏng máy móc thì lượng rác bị dồn ứ lên 400 - 500 tấn”, ông Diễn nói.
Có mặt tại khu vực nhà máy, PV chứng kiến không chỉ rác thu gom về bị ứ đọng, mà rác sau khi phân loại cũng chưa được xử lý. Nguyên nhân nhà máy làm phân bón do Hội Cựu chiến binh Lâm Đồng đảm nhận vẫn chưa hoạt động. Còn nhà máy chế biến hạt nhựa TQT từ bao ni lông công suất nhỏ lại hay bị trục trặc. Nhà máy có 2 lò đốt rác (nhập từ Thái Lan), nhưng hiện mới có 1 lò vận hành… do đó lượng rác sau phân loại bị tồn đọng ngày càng nhiều lên đến hàng trăm tấn, công ty phải dùng bạt che phủ.
Mặt khác, mức giá hỗ trợ xử lý rác thải của tỉnh Lâm Đồng hiện nay chỉ 129.500 đồng/tấn rác, trong khi chi phí thực tế khoảng 418.000 đồng/tấn, nên thời gian qua công ty phải liên tục bù lỗ mỗi tháng khoảng 1 tỉ đồng. Nếu không được hỗ trợ thêm thì việc vận hành Nhà máy xử lý rác thải rắn TP.Đà Lạt tiếp tục gặp khó khăn.
Sau khi giám sát chuyên đề về tiến độ và kết quả triển khai, thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Đà Lạt, bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng sớm điều chỉnh tăng mức hỗ trợ chi phí xử lý rác thải sinh hoạt, thấp nhất cũng bằng định mức mà Bộ Xây dựng đã quy định.
Bình luận (0)