Quá tải sĩ số học sinh

29/08/2015 04:35 GMT+7

Năm học mới Hà Nội và TP.HCM tiếp tục đối mặt với áp lực quá tải học sinh khi trường học không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Năm học mới Hà Nội và TP.HCM tiếp tục đối mặt với áp lực quá tải học sinh khi trường học không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Dự thảo Điều lệ trường tiểu học vẫn quy định tối đa 35 HS/lớp nhưng phần lớn các trường đều vượt mức này, thậm chí gần gấp đôi
Dự thảo Điều lệ trường tiểu học vẫn quy định tối đa 35 HS/lớp nhưng phần lớn các trường đều vượt mức này, thậm chí gần gấp đôi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
50 - 60 học sinh/lớp
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2015-2016 toàn thành phố có 2.585 đơn vị trường học và cơ sở giáo dục với trên 1,7 triệu học sinh (HS), tăng tới 75.861 HS so với năm học trước.
Năm 2020, sĩ số bình quân tiểu học là 30 HS/lớp?
Theo dự báo dân số, TP.Hà Nội đến năm 2020 có 7,4 triệu dân; 2030 là 9,5 triệu. Với yêu cầu diện tích tối thiểu 8 m2 mỗi HS nội thành và ngoại thành là
15 m2 thì đến 2030 TP cần xây thêm 1.014 trường mầm non, 310 trường tiểu học. Năm 2020 giảm sĩ số bình quân HS/lớp xuống còn 30, mỗi trường không quá 30 lớp.
Để khắc phục tình trạng quá tải, ngoài việc có thêm 11 trường học mới, thành phố đã đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng để cải tạo, sửa chữa và xây mới trên 2.000 phòng học, tuyển mới 2.367 giáo viên... Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn xảy ra ở nhiều trường học, nhất là bậc mầm non và tiểu học.
Bà Bùi Thị Vân Anh, Phó chủ tịch UBND Q.Cầu Giấy, một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây, cho biết: “Số liệu điều tra của Q.Cầu Giấy cho thấy năm nay trẻ mẫu giáo 3 tuổi tăng 300, lớp 1 tăng 500, lớp 6 tăng 300. Để đáp ứng chỗ học cho hơn 1.000 HS so với năm trước, quận đã đầu tư thực hiện 24 dự án xây mới, cải tạo với kinh phí hơn 500 tỉ đồng”. Số liệu điều tra số trẻ đến độ tuổi vào lớp 1 trên địa bàn quận này là 4.147 nhưng tổng chỉ tiêu tiếp nhận của tất cả các trường chỉ là 3.501 trẻ.
Tương tự, Q.Thanh Xuân có 3.959 trẻ đúng tuổi vào lớp 1 sinh sống trên địa bàn nhưng chỉ có thể tiếp nhận 3.750 trẻ vào trường công lập. Với tổng số 75 lớp thì trung bình sĩ số lớp 1 của quận này đã là 50 HS/lớp. Chưa kể những trường như Đặng Trần Côn A, Phan Đình Giót... sĩ số có lớp lên tới 60 HS/lớp... Bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, cho biết: “Khó khăn về tuyển sinh của quận là số HS vào lớp 1 tăng hơn 1.000 cháu. Năm nay, quận đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng mở rộng các lớp nhưng vẫn chưa thể giảm được sĩ số HS đúng quy định”.
Lãnh đạo Q.Ba Đình cho biết quy mô HS tiểu học và THCS hiện hơn 40.000, tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Nhiều trường ở quận này vẫn phải chấp nhận sĩ số gần 50 HS/lớp. Trường tiểu học “điểm” như Kim Đồng có lớp phải chấp nhận sĩ số lên tới 60 HS...
Tăng gần 4.000 HS ở cả 3 cấp học, Q.Hà Đông vẫn phải chấp nhận sĩ số bình quân toàn quận là 46 HS/lớp ở cấp tiểu học, việc quá tải sĩ số lên tới hơn 50 HS/lớp ở những trường có nhiều khu đô thị mới như: Đoàn Kết, Văn Yên, Nguyễn Du... là không thể tránh khỏi.
Ở Q.Đống Đa, nhiều lớp ở Trường Kim Liên và Nam Thành Công sĩ số phổ biến ở mức 60 HS.
Chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng
Dự thảo Điều lệ trường tiểu học được Bộ GD-ĐT công bố mới đây vẫn tiếp tục duy trì quy định sĩ số ở tiểu học tối đa là 35 HS/lớp. Quy định này đã có từ hàng chục năm nay nhưng đây vẫn là mục tiêu chưa rõ bao giờ mới đạt được ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi có tốc độ đô thị và nhập cư quá nhanh.
Một giáo viên dạy Trường tiểu học Nam Thành Công, Q.Đống Đa cho biết: chủ nhiệm một lớp học có tới hơn 60 HS, gần gấp đôi so với sĩ số quy định của Bộ, thì có thể hiểu được chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng ra sao. Sĩ số cao như vậy thì không thể quan tâm hết đến tất cả HS, đặc biệt là HS yếu. Do vậy, nhiều việc làm chỉ mang tính hình thức, đối phó cho qua bởi giáo viên không đủ sức để quán xuyến tất cả khi lớp quá đông.
Đây cũng là điều mà nhiều giáo viên lo lắng, nhất là khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới cùng với việc áp dụng phương pháp giảng dạy, đánh giá mới... Không thể có hiệu quả nếu sĩ số HS không được cải thiện. Đơn cử như đánh giá HS theo Thông tư 30, khi chuẩn bị kết thúc năm học, giáo viên phải vừa ghi nhận xét, vừa hoàn thành tổng kết vào học bạ cho hơn 60 HS trong vòng 4 ngày. Việc nhận xét cũng không được như mong muốn của cả giáo viên và phụ huynh, học sinh. Rồi việc áp dụng mô hình trường học mới, HS làm việc theo nhóm, xếp đủ chỗ ngồi cho HS đã khó chưa nói tới việc quan tâm đến từng HS.
 
Học trò chịu thiệt
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học này có tổng số 1.921 trường, tăng 44 trường so với năm trước. Tuy nhiên do áp lực về tăng dân số cơ học cùng với nhập cư, dự kiến sĩ số bình quân/lớp ở mỗi bậc học tăng từ 0,02 - 1,6%. Đặc biệt có những quận, huyện tốc độ tăng dân số quá nhanh như 12, Bình Tân, Bình Chánh... dẫn đến việc phải giảm tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày, không tổ chức bán trú để đảm bảo chỗ học cho HS.
Theo các giáo viên, việc sĩ số vượt chuẩn quá nhiều sẽ làm cho quá trình giảng dạy gặp nhiều khó khăn mà người chịu ảnh hưởng đầu tiên là HS. Một giáo viên tại Q.Tân Phú quả quyết: “Thực sự phương pháp lấy HS làm trung tâm, học theo nhóm, phát huy khả năng có lẽ sẽ chỉ là khẩu hiệu vì lớp học quá đông không thể triển khai”.
Cũng trong buổi làm việc với các quận, huyện về công tác chuẩn bị năm học mới, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng: “Việc tăng dân số cơ học là thử thách lớn đối với thành phố vì tăng số HS không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, thiếu giáo viên, trường lớp mà còn tác động lớn đến trật tự an ninh, an toàn xã hội, không gian sống...”.
Bích Thanh
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.