Trong nền văn học Việt Nam, các thể loại tiểu thuyết, truyện, bút ký, hồi ký, thơ ca viết về những chuyện đời có thật đã khá nhiều, nhưng thường là chuyện đời của các anh hùng, các nhân vật lịch sử (hầu hết là những người đã mất), hoặc những người nổi tiếng, nhưng viết về chuyện đời có thật của một cậu bé sáu tuổi thì đây là lần đầu tiên. Cuốn sách này được coi như là bước đi khá táo bạo trong sự nghiệp văn chương của Võ Diệu Thanh.
|
Hóa thân thành cu Chùa, nhẩn nha từng chút một, Võ Diệu Thanh kể cho độc giả nghe chuyện đời của ba chị em cu Chùa, từ những đứa trẻ bị bỏ rơi, lêu lổng, khó dạy, trở thành những đứa trẻ ngoan, đặc biệt là cu Chùa, bây giờ là nhạc công chơi đàn sến, lễ phép, dễ cưng, ai gặp “cũng muốn hun”.
Vậy ai đã tạo nên kỳ tích này? Không phải là một nhà giáo dục, không phải là một thầy cô giáo tài giỏi, kinh nghiệm lâu năm, mà chỉ là một người bình thường, một nhạc công bị bệnh tim, chưa có con. Bằng lòng yêu thương và sự chân thành, dùng chính cuộc sống hằng ngày của mình như một tấm gương, ông đã từ từ rèn giũa các cô bé cậu bé thành những đứa trẻ ngoan, biết nghĩ, một viên ngọc. Cách dạy trẻ này vô cùng đơn giản mà hiệu quả giữa thời điểm con trẻ chúng ta đang sống, học hành, lớn lên giữa một nền giáo dục đầy những con số thành tích thật đẹp nhưng lại quá thiếu vắng những trái tim ấm áp, chân thành và những hành động đẹp. Câu chuyện của ông Sáu và bé Chùa nhắc chúng ta nhớ yếu tố khởi điểm ban đầu của niềm tin chính là sự chân thành và công bằng, cho dù là đối với những đứa trẻ. Nhân chi sơ tính bổn thiện, không có đứa trẻ nào được sinh ra để hư hỏng. Những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên, không ít thì nhiều, là bản sao về tính cách của những người lớn chung quanh chúng.
Ngoài thông điệp về giáo dục, Quà tặng của ngày mai còn nhắc nhở chúng ta nhiều thông điệp ý nghĩa khác: đó là trách nhiệm dưỡng dục của những bậc làm cha làm mẹ. Bỏ bê con cái cũng là một kiểu tội ác, và tội ác ấy sẽ trở thành một bản án, vô tình mà có thật, khi con cái lớn lên. Thật khó mà hình dung được tương lai của bà mẹ mê cờ bạc hơn mê con, phó mặc con cho người khác nuôi dưỡng, khi mà sau này về già, bà có nguy cơ sẽ phải đối diện với cảnh con cái chỉ chăm sóc bà vì trách nhiệm chứ không thật sự vì lòng yêu thương. Ký ức, kỷ niệm tuổi thơ là cái mà chúng ta không thể làm lại hoặc sửa chữa trong cuộc đời của mỗi người.
Quà tặng của ngày mai của Võ Diệu Thanh còn chia sẻ với người đọc thông điệp về sự tự chữa lành. Điều gì khiến cho người đàn ông bị bệnh tim không biết ra đi ngày nào, người phụ nữ cô đơn, bệnh tật bảo bọc ba đứa trẻ như thể chúng là con ruột của mình, chuẩn bị cho ba đứa trẻ những kỹ năng sinh tồn, làm chủ cuộc sống khi không còn mình một cách chăm chút, cẩn trọng như thể mình là ba mẹ thật sự của chúng? Chữa lành vết thương trong tâm hồn của người khác cũng là cách để tự chữa lành những vết thương trong tâm hồn của chính mình. Sống tốt, làm những việc có ý nghĩa cho người khác đôi khi cũng là phương cách hiệu quả để mình thấy mình sống có ích, có ý nghĩa hơn; để mình có điều tốt đẹp mà vin vào, mà yêu cuộc sống vốn nhiều khốn khó này hơn.
Giá Võ Diệu Thanh lý giải thêm một chút về ông Sáu, cô Sáu và lòng yêu thương vô bờ bến của hai người dành cho ba đứa trẻ, hẳn độc giả sẽ đã nư hơn. Nhưng, biết làm sao được khi cu Chùa vẫn còn là một cậu bé sáu tuổi và Quà tặng của ngày mai là chuyện của cậu bé ấy kể cho chúng ta nghe!
Bình luận (0)