Này đây sân trường vắng lặng, xao xác gió và lá. Này đây, hình ảnh bác phu trường ngồi trầm ngâm lặng lẽ như chờ đợi cái cảnh nhộn nhịp tấp nập trở lại khi hè qua. Này đây, những cuốn truyện tranh hoặc bao trang sách thú vị của tủ sách tuổi hoa. Và nữa, những đứa trẻ học trò nghịch ngợm leo qua cổng trường vào sân nhặt bóng…
Cái thế giới học trò của một thuở, bây giờ thường được nhắc lại và đệm vào vài vần thơ hồi tưởng trong mỗi buổi họp mặt, bên ly cà phê buổi sáng: Khi nắng hạ trở về trên mắt biếc/Các em rồi trăm đứa sẽ trăm phương/Thầy đứng đó giữa muôn ngàn cách biệt/Mắt rưng buồn và hồn cũ mù sương… Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là thơ của thầy Phan Phụng Thạch, hồi xưa dạy văn ở một trường trung học, mà vì quá yêu thích nên tôi đã từng sưu tầm ghi lại trong cuốn sổ nhỏ.
Với một thời, mùa hè đã trở thành một khúc ca tươi đẹp với tuổi học trò. Đâu đâu cũng vọng lên những bản nhạc mùa hè, nổi tiếng nhất với bài Nỗi buồn hoa phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn. Để rồi, cả một xã hội nhìn nhận những ngày nghỉ hè của học trò với vô vàn những thanh âm náo nức. Không phải như bây giờ, mùa hè như bị “lẫn” đi đâu mất. Khái niệm của ba tháng nghỉ học tự lúc nào đã trở nên bình thường. Tôi nhớ vào khoảng năm 1973, ở Hòa Khánh (Đà Nẵng) có ngôi trường Bồ Đề, ở đó có giáo sư D.S dạy Việt văn. Nhìn thầy với dáng đi ung dung khoan hòa, bách bộ trở về sau mỗi buổi lên lớp, mái tóc chải óng mượt phô vầng trán rộng ai đi qua cũng ngưỡng mộ, thán phục. Là bởi vì thầy dạy hay lắm. Lúc ấy còn nhỏ, nhưng có nhiều lúc rảnh rỗi không đến trường tiểu học, tôi lại len lén đứng núp ngoài cửa nghe thầy giảng. Mong ước rằng khi nào lên các lớp trên cũng được học thầy. Bao lứa học trò nể phục vì cách truyền đạt kiến thức của thầy với lối nói khi bổng khi trầm và vốn học vấn uyên thâm. Thầy có một ngôi nhà nhỏ cách trường khoảng nửa cây số, phía ngoài có giàn hoa giấy và tiệm sách do cô đứng bán hoặc để đám học trò đến thuê truyện. Cuộc sống bình yên đạm bạc nhưng nho nhã, khiến cho nhiều người rất tin tưởng khi có con em theo học ở thầy.
Thuở hoa niên ấy, nhiều thế hệ may mắn được thụ hưởng kiến thức từ rất nhiều thầy cô như thế. Nhưng cũng bởi đang có chiến tranh, biết bao ly tán nên mỗi lần có một ai đó chuyển trường theo gia đình, hoặc mỗi mùa hè đến, là cảm xúc ly biệt lại trào dâng. Những gì còn lại sau lưng, là những kỷ niệm khó phai mờ. Vì vậy, thơ hay nhạc mùa hè đều mang dáng dấp hoa mộng, bùi ngùi khó cưỡng nổi.
Bây giờ, nhìn và nghe những chộn rộn gian lận thi cử do người lớn bày ra, những buổi học thêm nối tiếp căng đầu của học trò mỗi mùa hè đến, lại thấy dường như hương vị lúc hạ về ngày ấy càng xa lắc. Chẳng thể lý giải nổi một điều rằng, chả lẽ sống trong thời hiện đại 3.0, 4.0 thì những gì tươi đẹp, những khúc ca mùa hạ lại vắng bóng đâu rồi hay sao? Và cũng không thể không lăn tăn nghĩ rằng với tuổi học trò mà mất biệt mùa hè, với xã hội mà mỗi mùa thi cử đến lại bấn loạn cả lên, thì ý nghĩa của sự giáo dục liệu đã có bao nhiêu phần hư hao, mất mát?
Bình luận (0)