Quân đội Ấn Độ thâm nhập lãnh thổ Myanmar nhưng Naypyidaw không phản đối bởi giữa hai nước có thỏa thuận về hợp tác quân sự cho phép quân đội nước này vượt qua biên giới tiến hành hoạt động quân sự trong lãnh thổ của nước kia.
Lính đặc nhiệm Ấn Độ tại Myanmar - Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ
|
Lần thâm nhập này của quân đội Ấn Độ trước hết vì lý do an ninh. Những phần tử cực đoan đã dùng lãnh thổ Myanmar làm bàn đạp tấn công Ấn Độ. Cuộc tấn công mới nhất làm 18 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Vì an ninh ở khu vực vùng biên và vì sự an bình trong dư luận xã hội, chính phủ Ấn Độ không thể không hành động theo phương châm trả đũa và tìm diệt tận gốc như thế.
Phía Myanmar không phản đối và rồi đây chắc chắn cũng sẽ hành xử tương tự bởi cũng có vấn đề và nhu cầu tương tự. Cả hai đều có lợi khi phô trương mức độ tin cậy và chặt chẽ trong quan hệ hợp tác quân sự và an ninh song phương.
Ấn Độ còn có thể sử dụng hành động quân sự này để phát đi thông điệp chính trị về phía những đối tác khác, đặc biệt là những nước có biên giới chung. Với Bangladesh và Sri Lanka, vấn đề này về cơ bản không còn thời sự nữa đối với Ấn Độ.
Nhưng với Trung Quốc và Pakistan thì Ấn Độ vừa bị tranh chấp chủ quyền lãnh thổ lại vừa phải đối phó với chuyện bị quân đội nước ngoài thâm nhập (Trung Quốc) và với những phần tử sử dụng lãnh thổ nước ngoài làm căn cứ địa để chống phá và khủng bố... (Pakistan). Thông điệp từ đây là cảnh báo và răn đe, là ý chỉ chính trị rõ ràng về sự sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ của Ấn Độ.
Bình luận (0)