Ngoài sợi bánh canh bột gạo, to tròn đặc trưng, quán còn nổi tiếng với mức giá rẻ... hiếm thấy.
Đã rất lâu, tôi mới có dịp chạy xe qua khu Phạm Thế Hiển. Phần vì xa, phần vì dịch bệnh phức tạp. Quán bánh canh Mỹ Tho cách đường chính Phạm Thế Hiển chừng 100m. Quán mang đậm phong cách ẩm thực đường phố Sài Gòn với vài cái bàn và ghế đẩu nhựa. Nhưng từ lúc tôi đến, bàn lúc nào cũng kín chỗ, thực khách ra vào tấp nập.
Tô bánh canh Mỹ Tho với giá 10.000 đồng |
Gia Thanh |
Chỉ 10.000 đồng!
Gia đình anh Phương bán món ăn của quê hương đã hơn 3 năm. Từ khi bán đến giờ, giá một tô bánh canh thịt nạc vẫn giữ nguyên 10.000 đồng. Hỏi sao anh bán giá rẻ vậy, anh bảo: “Bán mười ngàn thì bất kỳ ai ăn cũng được từ người lớn đến con nít. Người ta thích ăn là cái sợi bánh canh bột gạo này, chứ thịt thà đồ cũng không thành vấn đề. Còn ai muốn ăn nhiều thì kêu thêm, làm tô 30.000 - 40.000 đồng”.
Khách ở đây đa phần là dân lao động nghèo. Công nhân, thợ xây, người bán vé số hay học sinh, sinh viên… đều đủ cả. Một tô giá 10.000 đồng có thịt nạc, da heo, bánh canh và huyết. Nhiêu đó là đủ ấm bụng cho một bữa ăn trưa hoặc bữa xế.
Ngoài thịt nạc, thực khách có thể có thể gọi thêm sườn, giò heo, tôm, mực hay huyết vịt. |
Gia Thanh |
Tôi gọi một tô bánh canh “best seller” ở đây. Ban đầu, tôi cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào hương vị của món này bởi “chỉ 10.000 đồng thì lấy đâu mà ngon”. Nhưng khi nếm thử nước lèo, vị ngọt thanh, thơm mùi của hành phi và rau thơm khiến tôi khá bất ngờ. Hương vị của nó đơn giản, dân dã như cách ẩm thực đường phố đi vào lòng thực khách. Sợi bánh canh Mỹ Tho làm hoàn toàn từ bột gạo, được nhồi kỹ nên có độ dai vừa phải. Sợi bánh to, tròn trông lạ mắt và rất dễ ăn.
Theo chủ quán, nồi nước lèo được nấu từ xương, tôm khô, râu mực, con ruốc, cải muối và một vài gia vị khác. Anh Phương không học qua trường lớp gì nhưng có tài bếp núc. Anh tự mày mò, nghiên cứu ra công thức của riêng mình.
Anh chia sẻ: “Thấy trên đây không có ai bán món này nên tôi mang lên. Nhiều người ăn ở đây rồi nếu có dịp về Mỹ Tho biết món này mà ủng hộ bà con. Ở dưới quê, chuyện bán bánh canh là bình thường, nấu như nhà ăn vậy đó. Còn lên đây, mình phải nghiên cứu, chế biến làm sao để người ta ăn mà không biết làm sao ra được hương vị như thế”.
Anh Phương là người gốc Mỹ Tho, thấy Sài Gòn chưa có món ăn này nên đã mày mò hoàn thiện công thức |
Gia Thanh |
Gần 100kg bánh/ngày
Chị Thanh Bình (32 tuổi, ngụ Q.7) đã nhiều lần ghé tiệm thưởng thức cho biết: “Sợi bánh canh ở đây lạ, ngon và dai. Tôi ở bên Đào Trí mà chở con qua tận đây. Bé nhà tôi rất thích món này, ăn ở đây rồi còn mua đem về để tối ăn tiếp. Chú bán dễ thương và vui vẻ nữa nên tôi thường xuyên quay lại”.
Anh Phương cho biết trung bình một ngày tiệm bán được 500 - 600 tô giá 10.000 đồng. Ngoài thịt nạc, khách hàng có thể gọi thêm sườn, giò heo, tôm, mực hay huyết vịt. Giá dao động từ 15.000 - 35.000 đồng.
Khách ở đây đa phần là người lao động nghèo, công nhân, thợ xây, người bán vé số hay học sinh, sinh viên... |
Gia Thanh |
“Ở đây đặc biệt là dùng toàn bộ huyết vịt, đặt tại lò. Huyết vịt ngọt, mềm và không tanh, hôi như huyết heo. Bánh canh cũng lấy ở dưới Mỹ Tho luôn, lò ở sát nhà dưới quê. Mỗi ngày bán tầm 60 - 70kg bánh. Mực mỗi lần làm chừng 10 con, thấy gần hết mới làm thêm vì làm ra phải ăn liền mới ngon. Một ngày bán cũng chừng 17 - 18kg mực”, chủ tiệm bánh canh Mỹ Tho tâm sự.
Chị Huyền (29 tuổi, ngụ Q.8) cùng chồng và con gái đến tiệm ăn xế. “Món này ngon mà nên tôi ăn ở đây thường xuyên, cũng được năm mấy rồi. Giá một tô có 10.000 đồng mà ngon, cách hai ba ngày thì cả gia đình lại ghé ăn”, chị Huyền chia sẻ.
Gia Thanh |
Sợi bánh canh bột gạo trắng đục, to, tròn trông khá lạ mắt và dễ ăn. |
Gia Thanh |
Quán bán từ 11 giờ đến khoảng 17 - 18 giờ. Khách ăn tại chỗ và mua mang về rất đông, nhất là tầm xế chiều |
Gia Thanh |
Bình luận (0)