Quán bánh quê miền Tây ở TP.HCM: Đủ loại sặc sỡ, bán 20 kg bánh lá mơ/ngày

14/06/2022 13:45 GMT+7

Quán bánh của bà Phượng nhỏ xíu nhưng bán hơn 20 loại bánh quê miền Tây. Mỗi loại một vị khác nhau, nhiều người nói rằng không đi miền Tây nhưng vẫn khám phá được ẩm thực miền sông nước.

Đầy đủ các loại bánh

Tôi quê gốc ở miền Trung nhưng mỗi lần xem các vlogger chia sẻ cuộc sống miệt vườn miền Tây, tôi rất thích. Tôi rất muốn đến các tỉnh miền Tây trải nghiệm cuộc sống bà con nhưng chưa có nhiều dịp. Tôi thường tìm xem những video giới thiệu các loại bánh ở miền Tây.

Bánh được đặt lên lá chuối

dương lan

Tình cờ một lần đi đường Phạm Thế Hiển (Q.5), tôi thấy một hàng bán rất nhiều loại bánh miền Tây. Chiếc tủ kính nho nhỏ nhưng bày rất nhiều loại, mỗi loại một màu, gộp lại trông rất đẹp mắt. Chủ quán là bà Nguyễn Thị Phượng (50 tuổi).

Tôi ghé quán bà Phượng vào một buổi sáng, trời Sài Gòn khá nắng. Vì bán sát đường nên nhiều người tranh thủ mua nhanh rồi rời đi. Quán bán khoảng hơn 20 loại bánh khác nhau. Bánh khoai mì nướng, bánh da lợn, bánh cuốn ngọt, bánh bò thốt nốt… được bày biện rất đẹp mắt.

Bà Phượng bán hơn 20 loại bánh khác nhau

dương lan

Bà Phượng bán từ 7 giờ sáng - 12 giờ trưa. “Vì sao bánh nhiều người thường ăn xế chiều sao cô không bán vào giờ đó?”, tôi thắc mắc.

Mỗi loại một màu trông rất đẹp mắt

dương lan

“Tôi chỉ bán buổi sáng chứ buổi chiều làm không nổi. Một mình tôi làm không xuể nên ở dưới quê mấy bà dì gửi lên nữa”, bà Phượng nói.

Bánh ở quán bà Phượng

Dương lan

Bà Phượng giới thiệu, đặc sắc nhất là bánh lá mơ. Lá sau khi hái về nghiền nhuyễn, lấy nước đen trộn với bột và tráng đều. Bánh ăn với nước cốt rất béo và có mùi thơm đặc trưng. Mỗi ngày bà bán gần 20 kg bánh lá mơ.

Bà Phượng bán từ 7 giờ sáng - 12 giờ trưa

dương lan

Quê bà Phượng ở Cần Thơ. Cách đây 6 năm, bà Phượng đưa bánh miền Tây lên Sài Gòn bán. Thời gian đầu, bà đẩy xe đến từng con đường, ngõ hẻm nhưng dần dần sức khỏe không cho phép, bà chuyển qua thuê mặt bằng lấy chỗ bán bánh.

Bánh cuốn ngọt được bày biện đẹp mắt

dương lan

“Hồi đó ở quê cũng làm bánh bán nhưng thất bại nên bà con kêu lên đây bán. Khách chủ yếu là người miền Tây, khách các miền cũng ăn thử, nhiều người còn mua mang đi nước ngoài. Còn những người đồng hương thấy ở Sài Gòn có bánh miền Tây họ cũng mừng vì tìm được thứ quen thuộc giữa đường phố tấp nập”, bà chia sẻ.

“Khách vui là tôi vui!”

Mỗi hộp bánh có giá từ 15.000 - 20.000 đồng còn bánh thập cẩm có giá 60.000 đồng/hộp. Bà Phượng rất nhiệt tình, vui tính, khách đến hỏi mua bà nở nụ cười tươi. Ngoài việc mang lại thu nhập trang trải cuộc sống, bán bánh giúp bà có nhiều niềm vui, kỷ niệm với nghề.

Bà Phượng vui vẻ bán bánh cho khách

dương lan

“Mọi người ở khắp nơi vẫn thích do khẩu vị lạ miệng. Niềm vui của tôi đến từ khách, khách vui là tôi vui. Khách nói ăn vừa miệng, tôi thấy mừng. Người miền Bắc, miền Trung đó giờ chưa từng ăn, ai cũng nói ngon, lạ miệng. Nhà tôi bán bánh mấy đời, mẹ tôi và con gái cũng bán bánh, nhờ đó mà cuộc sống vui, đỡ cực”, bà Phượng kể.

Bánh lá mơ ở quán bà Phượng

dương lan

Bà Phượng quê ở Cần Thơ, lên Sài Gòn khoảng 6 năm nay

dương lan

Bà Ngọc (thực khách) chia sẻ, quê gốc bà ở ngoài Bắc và bà vào TP.HCM sống đã lâu. Đi trên đường thấy quán bánh miền Tây, bà ghé mua mỗi loại một ít ăn. “Ăn chay đói quá chỉ biết ăn mấy loại bánh này chứ biết ăn gì giờ. Các loại bánh miền Tây có nước dừa nên rất dễ ăn”.

Bà Ngọc thường xuyên ghé quán mua bánh miền Tây

dương lan

Anh Tuấn Hùng (27 tuổi, quê ở Hậu Giang) cho biết: “Tôi sống và làm việc ở Sài Gòn cũng lâu. Vì không có thời gian nên ít khi về quê nên mỗi lần đi qua đường này tôi đều ghé mua bánh ăn vì quen thuộc, ăn giống vị nhà làm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.