Quán bún bò Huế 30 năm không bao giờ đóng cửa níu chân người Sài Gòn

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
16/11/2020 13:43 GMT+7

Tự hào với công thức gia truyền trăm năm, quán bún bò Huế của ông Tiến và bà Ân đã níu chân được nhiều người Sài Gòn suốt 30 năm qua bởi hương vị đặc biệt và bởi không bao giờ... đóng cửa.

Ở một góc chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3, TP.HCM), có một quán bún bò Huế mở cửa hơn 30 năm qua, vẫn giữ cách nấu riêng biệt, cầu kỳ tỉ mỉ. Chủ quán là ông Đoàn Đại Tiến (70 tuổi) và bà Trần Thị Ân (68 tuổi), cả hai đều là người gốc Huế. 

Ấp ủ lập nghiệp với công thức gia truyền

Từ chối hợp tác cùng các ứng dụng đặt đồ ăn, vắng bóng tài xế công nghệ đến xếp hàng để đợi nhận đơn nhưng quán bún bò vẫn tấp nập khách, phần lớn là khách quen.
Ông Tiến kể lại, ông bà rời Huế vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1977, nhưng phải đến 10 năm sau ông bà mới bắt đầu thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu - bán bún bò Huế với công thức mang theo từ quê nhà.

Ông Tiến kể lại câu chuyện về nguồn gốc món bún bò của mình

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Từ khi mở quán bún bò, thu nhập của gia đình ổn hơn, ông bà có đủ thu nhập để chăm lo cho 3 người con ăn học. Ở tuổi đáng ra nghỉ ngơi, ông bà lại chọn ngày đêm nấu món bún bò gia truyền phục vụ thực khách.

Một tô bún bò bình thường không có giò giá 40.000 đồng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Trước đây có một thời gian sống cùng con cháu nhưng buồn lắm nên về lại đây. Lâu lâu con cái về thăm, có dịp hai vợ chồng lại về thăm quê là vui lắm rồi. Ở đây có khách nói chuyện, mình nấu nướng chạy bàn cũng coi như là tập thể dục vận động cho khỏe người”, ông Tiến kể.
Chị Nguyễn Thị Huyền Chi (sống ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật) cho biết chị thường xuống ăn vào buổi tối: “Buổi tối thường khách đông hơn ban ngày nhiều kín cả bàn, bún bò ở đây rất vừa miệng”. Ngồi cùng bàn, chị Trần Lê Như kể lại: “Do bà tôi cũng là người gốc Huế nhưng ở nhà bà không biết nấu bún bò. Lúc qua nhà thì được bạn dẫn đi ăn bún bò mới thấy nước nước lèo có vị mắm ruốc đặc trưng của người Huế nên ăn rất ngon”.

Ông Tiến được nhiều thực khách khen vui tính, gần gũi

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ông Tiến giải thích thêm, món bún bò của ông có công thức xuất phát từ cung đình Huế. Công thức được truyền trong gia đình và nay đến đời ông.

Nước lèo là thứ làm nên thương hiệu quán và ông Tiến chia sẻ công thức là lưu truyền từ thời xưa

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Dù món ăn đã có cách đây mấy trăm năm nhưng bây giờ tôi nấu vẫn lấy lại công thức từ thời xưa mà không thay đổi bất kỳ một công đoạn hay nguyên liệu gì. Để có món bún bò Huế ngon thì công thức rất khắt khe, không chỉ đầy đủ hương vị mà còn đòi hỏi thứ tự bỏ vào nồi lúc nấu nướng. Chỉ cần thay đổi thứ tự một hương liệu cũng khiến mùi vị bún bò không còn được như lúc đầu nữa. Hơn nữa phải đầu tư xương, không có xương là coi như không có gì hết”, ông chia sẻ.

“Sẽ bán đến khi nào không còn sức”

Vào Sài Gòn sống đã lâu, ông Tiến và bà  Ân vẫn giữ giọng Huế nhẹ nhàng, cộng thêm cách phục vụ niềm nở khiến ai đến quán cũng cảm thấy thoải mái dễ chịu.
Là khách quen của quán bún bò Huế, chị Phạm Thị Song Mai cho biết chị đã ăn ở đây nhiều lần và vẫn thường dẫn bạn đến. Với chị Mai, bún bò ở đây không cần phải nêm nếm thêm gia vị nhiều. “Giá cả so với mặt bằng chung thì hơi cao nhưng vì ở quận trung tâm và chất lượng tô bún bò rất ổn nên tôi thấy giá này khá phù hợp”, chị nói.

Bà Ân vớt bọt trong nồi nước lèo

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ông Tiến cho biết, mỗi ngày quán của ông bán được 40kg bún, cứ 10kg bún bán hết sẽ lời được 1.000.000 đồng. Quán chỉ bán một món duy nhất là bún bò Huế trong đó gồm có bún bò giò, thịt, gân, tái và chả, mỗi tô bún giò có giá 50.000 đồng, tô bình thường khác có giá 40.000 đồng.
Quán mở bán 24/24 để phục vụ thực khách, trừ quãng thời gian đóng cửa phòng dịch Covid-19 vừa qua. Không những chế biến nước lèo công phu, toàn bộ gia vị nước mắm, ớt... đều được vợ chồng ông Tiến tự tay làm.

Tô bún bò có giá 50.000 đồng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Mải mê kể chuyện, bà  Ân phải nhắc ông Tiến vớt bọt trong nồi nước lèo đang sôi sùng sục. 
Hằng ngày, ông bà cùng nhau nấu bún, hết nước lèo thì bắt tay nấu tiếp. Cứ như vậy, niềm vui tuổi già của ông bà là quán bún bò chưa đến 10 bàn nhưng từng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông bà kể, ở quê hai ông bà sống cách nhau khoảng 300m,  quen nhau 10 năm, cưới nhau rồi ở với nhau đến bây giờ.
“Giờ bán đến khi nào cảm thấy sức khỏe không còn cho phép nữa thì thôi, chứ bây giờ còn rất vui khi bán bún bò”, ông bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.