Những ngày qua, cộng đồng mạng và giới truyền thông bàn luận khá nhiều xung quanh cách hành xử của đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ VN tại Nepal, khi nước bạn trải qua thảm họa động đất. Trong đó, việc một thành viên của đoàn có tấm hình chụp kiểu “tự sướng” ngay đống đổ nát với gương mặt tươi cười thực sự gây phản cảm.
Đó có thể là một sự cố ngoài ý muốn của người trong hình, nhưng hậu quả để lại sẽ không đơn giản là của một cá nhân. Bởi đến chiều 2.5, hình ảnh phản cảm trên đã lan đến cộng đồng mạng thế giới. Sẽ có nhiều người nước ngoài nhìn thấy và họ sẽ nghĩ thế nào khi một cán bộ VN hành xử như vậy!
Những năm gần đây, điều kiện giao lưu và hội nhập lớn hơn, nên giới quan chức cũng có nhiều cơ hội ra nước ngoài, giao tiếp và gặp gỡ. Điều này đặt ra không ít thách thức về ứng xử của các cán bộ, quan chức khi đến xứ người. Bởi thực tế, hành động chụp ảnh phản cảm trên không phải là trường hợp đầu tiên các quan chức nước ta có hành vi “khó coi” khi đi công cán nước ngoài. Một nhà báo, từng đồng hành cùng nhiều đoàn thể thao VN đi thi đấu ở nước ngoài, khẳng định đã không ít lần chứng kiến sự khó chịu của bạn bè quốc tế trước cách hành xử của một số vị “có chức” trong đoàn VN.
Trong khi đó, có thể nói mỗi cán bộ, quan chức khi đi công cán lại mang vai trò đại diện quốc gia. Cho nên, những sai sót, phản cảm trong quá trình giao tiếp, ứng xử ẩn chứa nguy cơ gây tổn hại hình ảnh đất nước. Quan chức càng cao thì trách nhiệm càng lớn.
Chính vì vậy, giờ đây, các bộ ngành cần có một cơ chế hướng dẫn, kiểm soát hành vi của quan chức đơn vị mình khi đi công cán nước ngoài. Ý thức chẳng phải tự nhiên mà có, muốn quan chức có ý thức hơn thì cần phải được hướng dẫn và kiểm tra. Có như thế, ý thức mới được hình thành từng bước.
Hồi đầu năm nay, Bộ Ngoại giao đã ban hành quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao và thành viên cơ quan đại diện VN ở nước ngoài. Quy tắc ứng xử hướng dẫn đầy đủ trong từng hoạt động giao tiếp, liệt kê chi tiết điều được làm và không được làm, lẫn các biện pháp kiểm soát. Đây là một bước đi rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, như đã nói, cơ hội để quan chức VN công cán nước ngoài ngày càng nhiều và không chỉ giới hạn trong Bộ Ngoại giao. Vì vậy, quy tắc ứng xử như trên cần được nhân rộng ở tất cả các bộ ngành. Đó là biện pháp cần thiết để từng bước hoàn thiện hành vi, ứng xử cho quan chức Việt khi đến xứ người. Nếu không sớm thực hiện, hình ảnh quốc gia của VN có thể bị tổn hại nặng nề trong mắt cộng đồng quốc tế.
Bình luận (0)