Nằm gần chợ Bến Thành nhưng quán có vẻ rất lặng lẽ, kiểu nhà ống cũ, bàn ghế cũ, khăn trải bàn kiểu cũ với hoa văn xưa cổ nhẹ nhàng khiến thực khách có cảm giác đang được dùng bữa ngay trong ngôi nhà thân quen của mình.
|
|
Thực đơn phong phú với nhiều món mặn, món xào, món canh dùng với cơm trắng; bên cạnh đó còn có những món bún, mì chay; hoặc những món ăn chơi như gỏi cuốn, bì cuốn… Cái khác ở Tín Nghĩa là tất cả các món đều gọi tên theo rau - củ, không đặt tên mỹ miều hoặc có hơi hướm bị chếch đi so với món chay như một số nhà hàng chay hiện nay vẫn hay làm.
|
Ở Tín Nghĩa, chỉ có khái niệm rau, nấm và đậu hủ - thực đơn giản dị đúng theo “chất” của quán cơm chay nức tiếng này.
Mỗi món ở Tín Nghĩa có hương vị rất riêng, dẫu thừa biết việc nêm nếm thức ăn chay thường đơn giản, nhưng món ăn nào cũng đậm đà, ngon theo một cách rất lạ mà chỉ nơi đây mới có được, không thể lẫn vào đâu.
|
Thưởng từng món ở quán chay trăm năm này, điều đầu tiên mà thực khách phải công nhận đó là vệ sinh. Không phải chỉ ở sàn nhà, bàn ghế hay muỗng đũa, mà từ trong từng lá rau, bẹ nấm… đều thể hiện rõ ràng việc quán đề cao sự sạch sẽ, an toàn cho thực khách của mình.
|
Một khách quen của quán - ông John Aloia (nhân viên Lãnh sự Quán Mỹ tại TPHCM) nói: "Tôi đến Việt Nam cách đây hơn 10 năm và trung thành với quán này bởi nhiều lý do: chủ quán nấu món chay ngon, giá tốt và tôi chưa bao giờ bị đau bụng. Vì vậy tôi yêu món Việt và nói tiếng Việt. Chủ quán là người rất khiêm nhường, không nói nhiều nhưng tính cách thực khách thế nào là họ nắm hết, tôi đến gần như không cần đọc thực đơn, họ hiểu khách và tự biết khẩu vị của tôi".
Mỗi khách khi đến quán đều được mời một ly trà nóng sau bữa ăn, thay vì trà đá như thói quen của người Sài Gòn. Ban đầu có vẻ khó hiểu, có vẻ bất ngờ. Nhưng dùng món rồi, nhâm nhi trà rồi sẽ hiểu, vị giác không bị đánh lừa bởi đá lạnh sẽ khiến dư vị của thức ăn vương rất lâu, lúc này mới thấm hết được hương vị đặc biệt mà Tín Nghĩa gửi trong từng món ăn của mình.
|
Nằm ở “mặt tiền” đường Trần Hưng Đạo, khu buôn bán sầm uất nhất nhì Sài Gòn mà Tín Nghĩa cứ ung nhiên đứng đó, bình lặng đón từng đợt khách nhẹ nhàng và không bao giờ ồn ào.
|
Người kinh doanh thực phẩm - nhà hàng chay thường là người học Phật và không thích sự bon chen. “Thay vì cho thuê mặt bằng giá chục triệu để yên ổn sống, tại sao mình không giữ lại nề nếp, thói quen của gia đình đã được gìn giữ cả thế kỷ nay? Tiền bạc là phù du, chỉ tình cảm của khách dành cho mình mới thật sự có ý nghĩa” - chủ quán cơm chay Tín Nghĩa nhẹ nhàng chia sẻ, ngay giữa khi tất bật tiếp những khách quen của cô.
tin liên quan
Theo chân Việt Hương ăn vặt khắp đường phố Sài Gòn(iHay) Có thời gian sinh sống và làm việc trong một thời
gian dài ở hải ngoại nhưng Việt Hương vẫn luôn yêu thích ẩm thực quê
nhà.
Bình luận