Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư triển khai xây dựng đề án kinh tế chia sẻ, trong đó đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng (vay tiền không qua trung gian giữa người cần vốn và người có vốn) đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng.
Doanh số hàng tỉ USD
Từ năm 2018, mô hình ứng dụng công nghệ cho vay trực tuyến hay còn gọi là cho vay ngang hàng (P2P) được các công ty trong nước phát triển khá mạnh, có khoảng 40 công ty ứng dụng dịch vụ này.
tin liên quan
Cho vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi roNhư vậy chỉ trong vòng 2 giờ, số lượng đơn vay mới tăng lên 1.200 đơn, nâng tổng đơn vay trên hệ thống lên hơn 4,78 triệu đơn, trong đó đã tư vấn hơn 3,96 triệu đơn. Danh sách khách hàng đăng nhập hệ thống Tima vay mới trong ngày 22.2 đến từ Cà Mau, Quảng Nam, Tây Ninh, Cao Bằng, Gia Lai... với nhu cầu vay từ 5 - 50 triệu đồng theo hình thức vay trả góp theo ngày, theo sổ hộ khẩu, theo hình thức đăng ký xe...
Người cho vay, người đi vay sẽ phải đăng ký vào hệ thống Tima và tải app về điện thoại, rồi sau đó tìm người cho vay hay đi vay ở gần để thương lượng về lãi suất, mức cho vay, thời gian vay... Những người này sẽ trả phí cho sàn từ 15.000 - 25.000 đồng/lượt. Hệ thống Tima thu hút hơn 3 triệu người tham gia cho vay và tổng tiền giải ngân lên hơn 61.653 tỉ đồng, tương ứng hơn 2,65 tỉ USD.
Một sàn khác là Lendbiz cũng triển khai theo mô hình này nhưng khác với Tima, khách hàng tham gia sàn Lendbiz là doanh nghiệp và hộ kinh doanh (tại Hà Nội, doanh thu trên 50 triệu đồng và được chứng minh doanh thu qua tài khoản ngân hàng hoặc phần mềm quản lý bán hàng trực tuyến). Đồng thời số tiền doanh nghiệp, hộ kinh doanh huy động cao hơn, từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng.
Các đơn vị này thường đưa ra mức lãi suất từ 1,2 - 1,5%/tháng, tương ứng 18%/năm, nhưng thực tế lãi suất cho vay cao ngất ngưởng. Đăng nhập vào trang cho vay Doctordong vay 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày sau sẽ trả gốc và lãi là 13,91 triệu đồng (tương ứng mức lãi suất 39,1%/tháng, tức 469,2%/năm). Hệ thống này thông báo đã có hơn 6,78 triệu khách hàng đăng ký.
Quy mô thị trường này trên toàn cầu, theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, vào năm 2012 đạt khoảng 1,2 tỉ USD, năm 2015 tăng lên 64 tỉ USD và dự báo đến năm 2025 có thể lên hơn 1.000 tỉ USD. Cho vay ngang hàng tại VN có xu hướng phát triển rất nhanh do khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính còn khiêm tốn của người dân (theo Ngân hàng Thế giới chỉ mới 40% người lớn có tài khoản ngân hàng), công nghệ thông tin phát triển mạnh... Tuy nhiên hiện tượng biến tướng, lừa đảo, trà trộn lẫn tín dụng đen... đang diễn biến rất phức tạp.
Tránh hiện tượng biến tướng vay nặng lãi
Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, nhận định: Giống như một số nước đang phát triển khác, VN chưa có hành lang pháp lý đối với cho vay ngang hàng, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự. Vì thế, hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy cả về khía cạnh kinh tế cũng như xã hội.
Thực tế, cho vay ngang hàng đã phát triển rất mạnh ở Trung Quốc từ năm 2011 và đã thu hút khoảng 50 triệu người dân tham gia với lãi suất từ 10%/năm trở lên (cao gấp đôi lãi suất ngân hàng), đạt doanh số gần 218 tỉ USD tính đến giữa năm 2018. Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát đối với hoạt động P2P nên những công ty này biến tướng huy động vốn bất hợp pháp theo hình thức đa cấp, dẫn đến giữa năm 2018 có khoảng 400 công ty phá sản, chủ công ty bỏ trốn và nhà đầu tư không thể đòi được tiền. Sau đó, Trung Quốc đã phải bổ sung 10 biện pháp tăng cường kiểm soát hoạt động này.
Đánh giá đây là một sản phẩm tất yếu nên thay vì cấm, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần có biện pháp để tránh cho hình thức này biến tướng thành tín dụng đen, đầu tư đa cấp trá hình và rửa tiền... gây ra các hệ lụy kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, cần sớm có hành lang pháp lý để chi phối, quản lý hoạt động này, như cơ quan nào sẽ cấp phép hoạt động, xác định các tiêu chuẩn về vốn tối thiểu, năng lực công nghệ, tiêu chuẩn đội ngũ quản lý; quy định về kiểm tra, giám sát của công ty; các biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư...
Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo
Ngân hàng Nhà nước, Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã từng cảnh báo người dân về hoạt động tín dụng đen “núp bóng”, cho vay nặng lãi trên nền tảng P2P để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được quy định tại điều 468 bộ luật Dân sự năm 2015.
Đồng thời, người dân thận trọng khi tham gia các hoạt động này vì có thể mất tiền, khó đòi được các khoản cho vay, thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật, hệ thống lưu trữ thông tin của công ty P2P có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa.
Ngoài ra, một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố...
|
Bình luận (0)