Điều 12 của Hiệp ước Quý Mùi (1883) nêu rõ: “Ở Bắc kỳ sẽ có một công sứ tại Hà Nội, một ở Hải Phòng, một tại những thành phố ven biển có thể được thành lập sau này, một ở thủ phủ của mỗi tỉnh lớn…” (Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 - 1897), Omega+ và NXB Hồng Đức, 2018, tr.604). Các công sứ tránh “can dự vào các công việc nội bộ hành chính cụ thể của các tỉnh. Các quan lại bản xứ bất cứ hạng nào sẽ tiếp tục cai trị và điều hành dưới sự kiểm soát của các công sứ” (điều 14), “có trách nhiệm kiểm soát công tác an ninh trong các đô thị” (điều 17), “nắm giữ các dịch vụ thuế, mà ông ta sẽ giám sát cả thu và chi” với sự cộng tác của quan bố chánh (điều 18)…
Tòa đốc lý hay Tòa thị chính Hà Nội trên một bưu thiếp |
Pierre Dieulefils |
Điều 6 của Hiệp ước Giáp Thân (1884) cho biết: “Các tỉnh nước Đại Nam từ giáp Ninh Bình trở về phía Bắc, tỉnh nào có sự cần cấp, thì nước Đại Pháp nên đặt công sứ hay bọn phó công sứ, đều theo lệnh quan khâm sứ ở Kinh. Tỉnh nào có công sứ hay phó công sứ, thì ở trong các tỉnh ấy, gần chỗ quan tỉnh ở thì công sứ, phó sứ đó, có lính Pháp hay lính Nam theo hầu” (Đại Nam thực lục, tập 9, nhóm dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.75). Sau khi thiết lập chức danh Thống sứ Bắc kỳ ngày 27.1.1886, các công sứ (ở tỉnh lị của tỉnh lớn) và phó công sứ (ở tỉnh lị của tỉnh nhỏ) ở Bắc kỳ đặt dưới quyền vị lãnh đạo mới này. Thông qua các công sứ và phó công sứ, Thống sứ Bắc kỳ nắm các hoạt động từ cấp tỉnh trở xuống phủ, huyện...
Chức danh và quyền hạn của công sứ chủ tỉnh được thiết lập ở Bắc kỳ căn cứ theo nội dung của hiệp ước 1883 và 1884. Theo đó, công sứ kiểm soát công việc cai trị của quan tổng đốc và tuần phủ trở xuống mà không trực tiếp cai trị, công sứ được quyền thuyên chuyển/thay thế quan lại bản xứ đi nơi khác nếu trong quá trình kiểm soát thấy chống đối hoặc biểu hiện không tốt, chịu trách nhiệm xét xử án dân sự, tiểu hình và thương mại có yếu tố ngoại quốc, và cũng phụ trách, kiểm soát việc thu thuế… Cả hai hiệp ước 1883 và 1884 chỉ đề cập việc thiết lập công sứ ở Bắc kỳ, bởi lúc đó vùng đất Trung kỳ vẫn do triều đình Huế cai quản.
Gần một tháng sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885) và chiếm đóng kinh thành Huế, Tổng trú sứ de Courcy chỉ thị cho Silvestre soạn sẵn một bản quy ước (phụ ước) mới nhằm bổ túc cho hiệp ước bảo hộ (6.6.1884). Ngày 30.7.1885, de Courcy triệu tập các nhân vật chủ chốt Pháp - Việt yêu cầu họ ký vào bản quy ước với một số nội dung như de Courcy cho giải tán quân đội Việt và thành lập quân đội mới trực thuộc quân đội Pháp, áp dụng chế độ trực trị, đặt lãnh thổ Trung kỳ dưới chế độ quân quản của Pháp… (Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn, quyển 1, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020, tr.394 và 404).
Ở Trung kỳ, chức danh công sứ ra đời từ sau quy ước 30.7.1885, muộn hơn Bắc kỳ 2 năm. Quy ước 30.7.1885 không được chính phủ Pháp thông qua do vi phạm nghiêm trọng hiệp ước bảo hộ 1884.
So với Bắc kỳ, chức năng của công sứ ở các tỉnh Trung kỳ không được quy định rõ bằng. Điều 6 của hiệp ước 1883 cho biết, công sứ chủ tỉnh (người Pháp) ở Trung kỳ nắm giữ các vấn đề về thuế vụ (thương chính) và công chính, các quan chức cấp tỉnh (tổng đốc, tuần phủ…) người Việt “sẽ cai trị như trong quá khứ, không có bất cứ sự kiểm soát nào của Pháp”. Ở mỗi tỉnh Bắc và Trung kỳ, có một tòa công sứ và hội đồng hàng tỉnh (Conseil provincial) phụ tá cho công sứ.
Ở Bắc kỳ, Hà Nội và Hải Phòng là vùng nhượng địa, cả hai đều là thành phố cấp 1 (municipalité de première classe). Đứng đầu thành phố là một viên đốc lý (maire) người Pháp, căn cứ theo nghị định ngày 19.7.1888 về việc thành lập thành phố Hà Nội và Hải Phòng của Toàn quyền Đông Dương (đăng trên Moniteur du protectorat de l’Annam et du Tonkin (tạp chí Người hướng dẫn xứ Trung - Bắc kỳ), số tháng 7.1888, tr.392-401). Theo đó, Hội đồng thành phố (Conseil municipal) Hà Nội gồm 1 đốc lý và 16 ủy viên, Hội đồng thành phố Hải Phòng gồm 1 đốc lý và 14 ủy viên. Ủy viên (người Pháp và bản xứ) phải từ 25 tuổi trở lên, nghị định cũng quy định rõ thành phố Hà Nội có 4 ủy viên người bản xứ, Hải Phòng là 2.
Theo nghị định này, đốc lý phụ trách vấn đề dân sự và tư pháp trong địa phận thành phố, có quyền hạn tương đương một công sứ tỉnh, phụ tá cho đốc lý là Hội đồng thành phố và các sở liên quan.
Mãi đến năm 1945 mới có một đốc lý Hà Nội là người Việt, đó là bác sĩ Trần Văn Lai. Trong khoảng thời gian một tháng ngắn ngủi tại vị, ông Trần Văn Lai đã cho đổi tên đường phố Hà Nội từ tên Pháp sang tên các danh nhân và địa danh nước Việt, cho hạ các tượng Tổng trú sứ Paul Bert, tượng Bà đầm xòe xuống… như một cách xóa bỏ, đoạn tuyệt với di sản thực dân Pháp.
Bình luận (0)