Sáng 27.3, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Thanh Tra Chính phủ tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, tháng 11.2018.
Một trong những điểm mới của dự thảo được Thanh tra Chính phủ công bố tại hội thảo là quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân sau khi nghỉ hưu.
Theo đó, dự thảo chia các lĩnh vực thực hiện quy định này thành 4 nhóm tương ứng với 4 thời hạn khác nhau.
Nhóm 1 gồm các lĩnh vực quản lý của 14 bộ và cơ quan ngang bộ: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Theo dự thảo, thời hạn những người về hưu không được kinh doanh trong lĩnh vực này là từ 12 - 24 tháng.
Nhóm 2 gồm các lĩnh vực quản lý của 6 bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch, Bộ Y tế, Bảo Hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc.
Theo dự thảo, thời hạn những người về hưu không được kinh doanh trong nhóm lĩnh vực này là từ 6 - 12 tháng.
Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 3 bộ: Ngoại giao, Quốc phòng và Công an. Theo dự thảo, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ ban hành thời hạn không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ thuộc lĩnh vực đặc thù.
Nhóm 4, gồm chương trình, dự án, đề án, kế hoạch do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt. Đối với nhóm này, thời hạn là thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.
Dự thảo nghị định cũng giao Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể danh mục các lĩnh vực của từng nhóm cũng như quy định cụ thể về thời hạn không được kinh doanh đối với người quản lý đã về hưu trong khung nêu trên.
Chuyển đổi vị trí công tác định kỳ 2 - 5 năm
Dự thảo nghị định do Thanh tra Chính phủ soạn thảo cũng quy định vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi cụ thể hóa khoản 4 điều 25 của luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi 2018.
Theo đó, vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi là cơ quan chuyên môn, giúp việc từ cấp huyện đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác, theo dự thảo là từ đủ 2 - 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Dự thảo quy định một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn đối với cơ quan chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp trên trực tiếp quyết định chuyển đổi.
Dự thảo quy định một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn đối với cơ quan chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp trên trực tiếp quyết định chuyển đổi.
Ngoài ra, dự thảo quy định không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Nghiêm cấm quan chức nhận quà tặng
Dự thảo nghị định cũng nêu rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm qùa tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cao cấp, người có công với cách mạng. Việc tặng quà phải theo đúng quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng.
Bộ Tài chính quy định về chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng được tặng quà trong công tác đối ngoại, từ thiện và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cao cấp, người có công với cách mạng.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.
Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
|
Bình luận (0)