Sự băn khoăn này vẫn chưa có hồi kết trong khi Tổng thống Barack Obama sắp có chuyến thăm Việt Nam vào giữa tháng 5, được cho nhằm củng cố mối quan hệ giữa 2 nước trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng tại Biển Đông, theo Reuters ngày 9.5.
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sẽ giúp gạt đi những trở ngại còn sót lại từ thời chiến tranh và để 2 nước gia tăng quan hệ ngoại giao, 21 năm sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, điều đó có khả năng cũng làm Trung Quốc tức tối. Bắc Kinh từng chỉ trích việc chính quyền Obama dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào năm 2014, cho rằng đó là sự can thiệp của Mỹ đối với cân bằng quyền lực tại khu vực.
|
Trong cuộc tranh luận nội bộ của các quan chức Mỹ, một số người tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam lúc này là hành động vội vã. Trong khi đó, nhiều quan chức khác, đặc biệt tại Lầu Năm Góc, phản bác rằng dỡ bỏ cấm vận sẽ giúp Việt Nam củng cố khả năng để đương đầu với Trung Quốc và đây nên là điều được ưu tiên.
Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác là một phần quan trọng trong chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama. Chiến lược này là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama.
Yếu tố chính ảnh hưởng tới quyết định của Tổng thống Mỹ (bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam), chính là liệu Việt Nam có cam kết ký những hợp đồng quốc phòng lớn với phía Mỹ hay không. Reuters dẫn nguồn tin thân cận với các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng cho biết nếu Việt Nam mua nhiều vũ khí của Mỹ, đó sẽ là lợi ích tiềm năng, tạo ra việc làm tại Mỹ và giúp giảm bớt sự chống đối của quốc hội trong việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí.
Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Bỏ cấm vận vũ khí, bàn về TPP?
Tổng thống Barack Obama sẽ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cũng như đề cập đến hiệp định TPP trong chuyến thăm Việt Nam, theo truyền thông thế giới.
Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngại về việc liệu Việt Nam, xưa nay là đối tác mua vũ khí của Nga, có sẵn sàng mua vũ khí Mỹ hay không. Các quan chức ngoại giao nhận thấy những tín hiệu Việt Nam muốn làm ăn với các nhà thầu quốc phòng Mỹ, tuy nhiên phía Mỹ muốn có những cam kết rõ ràng.
Theo Reuters, Việt Nam có thể sẽ cân nhắc mua các khí tài quân sự giúp tăng cường năng lực hải quân và phòng thủ bờ biển, đặc biệt là các máy bay trinh sát biển P-3 và tên lửa của Mỹ.
Ai sẽ tác động đến quyết định của Tổng thống Mỹ?
Trong phiên điều trần hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố ủng hộ Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam. Reuters cho hay đây đang là ý kiến nhận được nhiều sự ủng hộ tại Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn chưa được thông qua tại Nhà Trắng, khi một số quan chức nói rằng Tổng thống Obama vẫn chưa quyết định.
|
Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng đến vấn đề này chính là sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ John McCain. Chủ tịch Uỷ ban quân vụ Thượng viện Mỹ McCain từng ủng hộ việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận này vào năm 2014.
Quyết định cuối cùng của Tổng thống Obama có thể sẽ phụ thuộc phần nào vào ý kiến của ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương; và ông Tom Malinowski, quan chức thuộc phái đoàn nhân quyền của chính quyền Obama. Hai vị này có chuyến thăm Việt Nam vào 2 ngày 9 - 10.5.
Hiện chưa rõ Tổng thống Obama có đưa ra quyết định trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới hay không. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nhận xét nếu ông Obama phản đối việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí vào lúc này, Việt Nam cũng sẽ có những lựa chọn khác bù đắp như việc lập ra các nhóm thương thuyết để tiến tới việc không còn bị cấm vận.
Bình luận (0)