Quan chức Mỹ: 'Tương lai 50 năm tới sẽ được viết nên ở Đông Nam Á'

15/03/2023 11:28 GMT+7

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết Washington đã xem Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm trong chiến lược ngoại giao tổng thể của mình và "tương lai 50 năm tới sẽ được viết nên ở Đông Nam Á".

Trong một sự kiện ngày 14.3, ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương, nói nền kinh tế Mỹ gắn bó chặt chẽ với khu vực rộng lớn nơi 10 nước ASEAN là trung tâm, và điều này có nghĩa là tương lai của Mỹ phụ thuộc vào sự ổn định ở khu vực này.

"Tương lai 50 năm tới sẽ được viết nên ở Đông Nam Á và mối quan hệ của chúng tôi với ASEAN sẽ định hình tương lai mà tất cả chúng ta đều muốn thấy", ông Kritenbrink phát biểu tại văn phòng ở Washington DC của Trung tâm Đông - Tây, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách, theo South China Morning Post.

Quan chức Mỹ: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm chiến lược ngoại giao - Ảnh 1.

Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương

CHỤP MÀN HÌNH CNA

Ông chỉ ra thương mại giữa Mỹ và châu Á mỗi năm ở mức “hơn 2.000 tỉ USD” và đầu tư của Mỹ vào khu vực lên tới 1.000 tỉ USD. “Vì vậy, cho dù người ta nói bất cứ điều gì về can dự kinh tế của Mỹ, rõ ràng chúng tôi đóng vai trò trung tâm đối với tương lai kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và rõ ràng khu vực này cũng sẽ là trung tâm trong sự thịnh vượng của chúng tôi", quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Ông Kritenbrink, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cũng cho biết những nỗ lực nhằm tăng cường ảnh hưởng của châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương cũng là một phần trong chiến lược của Washington. Trong thời gian qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã củng cố các liên minh hiện có tại khu vực như Bộ Tứ và xây dựng các liên minh mới, bao gồm Đối thoại Mỹ - EU về Trung Quốc, Đối tác ở Thái Bình Dương Xanh (PBP) cũng như liên minh AUKUS với Úc và Anh.

“Cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi là xây dựng mối liên hệ với các đồng minh, đối tác và bạn bè trong và ngoài khu vực để tạo ra và hỗ trợ cái mà chúng tôi gọi là mạng lưới các liên minh mạnh mẽ và hỗ trợ lẫn nhau nhằm xây dựng năng lực tập thể", ông nói.

Ông Kritenbrink cũng thông báo Mỹ đang hoàn thiện kế hoạch thiết lập đại sứ quán ở Maldives và “bắt đầu thảo luận về việc mở đại sứ quán ở các quần đảo Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Tonga và Kiribati”. Hồi tháng 2, Mỹ đã mở đại sứ quán ở Quần đảo Solomon, nơi trở thành điểm nóng mới trong cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực.

Tổng thống Biden ca ngợi thỏa thuận tay ba AUKUS giúp Úc có tàu ngầm hạt nhân

Phát biểu của ông Kritenbrink xuất hiện sau khi các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Úc công bố các chi tiết mới của thỏa thuận trang bị tàu ngầm trong khuôn khổ hợp tác AUKUS. Theo thông cáo của Nhà Trắng, Úc sẽ sở hữu thế hệ tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân mới mang tên SSN-AUKUS, sử dụng vũ khí quy ước.

Trung Quốc cho rằng AUKUS vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Úc bác bỏ cáo buộc này. Úc hiện là thành viên của một hiệp ước phi hạt nhân với 12 quốc gia Nam Thái Bình Dương khác, tại khu vực vốn có mức độ nhạy cảm cao đối với vũ khí hạt nhân do ảnh hưởng của các vụ thử nghiệm mà Mỹ và Pháp tiến hành.

Reuters cho biết Thủ tướng Úc Anthony Albanese sẽ đến nước láng giềng Fiji trong ngày 15.3 để thảo luận về an ninh khu vực, cũng như nhấn mạnh thông điệp của Canberra rằng chương trình AUKUS trị giá 245 tỉ USD không vi phạm các cam kết về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.