Giám đốc bộ phận Chính sách và Hệ thống y tế quốc gia của WHO Natasha Azzopardi-Muscat đã so sánh việc sử dụng quá nhiều thiết bị truyền thông với chứng nghiện thuốc lá.
Chia sẻ với tạp chí Politico bên lề Diễn đàn y tế châu Âu tại Gastein (Áo) hôm 2.10, bà Azzopardi-Muscat nói rằng: "Chúng ta cần phải suy nghĩ về những địa điểm thích hợp để sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và cũng đã đến lúc bắt đầu suy nghĩ về những nơi không nên sử dụng một số thiết bị kỹ thuật số nhất định".
Bà Azzopardi-Muscat giải thích các biện pháp này có thể bao gồm giới hạn độ tuổi và "khu vực cấm", tương tự như lệnh cấm hút thuốc ở một số khu vực nhất định.
Trong một số trường hợp, thiết bị di động và điện tử đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, làm suy yếu nhận thức và năng suất lao động của mọi người, theo Đài RT dẫn lời bà Azzopardi-Muscat.
Sau quy định hạn chế trẻ 'chơi máy', phụ huynh Trung Quốc nghĩ gì?
Các chuyên gia y tế và quan chức chính phủ ở nhiều nơi đã bày tỏ lo ngại về tác động của các thiết bị điện tử đối với trẻ em, đặc biệt là khi điện thoại thông minh và mạng xã hội được sử dụng phổ biến ở thanh thiếu niên.
Bà Azzopardi-Muscat cho biết các dữ liệu và bằng chứng cần được thu thập một cách có hệ thống, xem xét và thí điểm các phương pháp và cuối cùng là áp dụng thực tiễn. Bà nhấn mạnh: "Chúng ta không thể trì hoãn việc hành động và đưa ra quyết định".
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên thệ sẽ đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế thời gian sử dụng điện thoại quá mức và các hành vi nghiện mạng xã hội đang phổ biến trong thời đại kỹ thuật số. "Tôi đau lòng khi đọc về những người trẻ tự làm hại mình hoặc thậm chí tự tử vì bị lạm dụng mạng xã hội", bà Ursula von der Leyen nói hồi tháng 7.
Một số quốc gia hiện thực hiện các biện pháp nhằm giảm thời lượng sử dụng màn hình của trẻ em. Các nước gồm Hà Lan, Hungary, Pháp, Hy Lạp và Anh đã cấm sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học.
Bình luận (0)