Tình trạng sử dụng mạng xã hội cực đoan được định nghĩa là khi người dùng có triệu chứng "giống như con nghiện". Các triệu chứng "nghiện" nói trên bao gồm không thể kiểm soát thời gian sử dụng, bỏ bê tương tác với thế giới thực, cảm thấy đau khổ khi không thể kết nối với internet hoặc bị ám ảnh với cuộc sống trên mạng.
Theo Hãng tin AFP dẫn một nghiên cứu của WHO, vào năm 2022, 11% thanh thiếu niên có dấu hiệu sử dụng mạng xã hội cực đoan, tăng so với mức 7% hồi năm 2018. Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội tiêu cực cao nhất là ở Romania (22%), Malta (18%) và Bulgaria (17%). Hà Lan có mức thấp nhất với 5%. Nghiên cứu này trích dẫn dữ liệu từ 280.000 người trong độ tuổi 11, 13 và 15 tại 44 quốc gia ở châu Âu, Trung Á và Canada.
Nghiên cứu cho thấy tới 36% thanh thiếu niên trò chuyện với bạn bè trên mạng suốt cả ngày trên thế giới ảo. Trẻ em 13 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái, có nhiều nguy cơ trong diện sử dụng mạng xã hội cực đoan nhất. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người nghiện mạng xã hội có nhiều khả năng cũng nghiện thuốc lá, rượu bia hoặc sử dụng cần sa.
Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả này làm dấy lên mối lo ngại về cách công nghệ đang định hình cuộc sống của giới trẻ.
Khảo sát: Gen Z mua sắm theo TikTok và người nổi tiếng
Trang Euronews dẫn lời Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết việc nghiện mạng xã hội có thể dẫn đến trầm cảm, nạn bắt nạt, chứng lo âu và kết quả học tập kém ở giới trẻ. Song, ông Kluge chỉ ra rằng hiện các kiến thức về kỹ thuật số ở nhiều quốc gia vẫn chưa phổ cập đầy đủ và theo kịp với trình độ của giới trẻ cũng như sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin. Do đó, ông Kluge kêu gọi các nước cần hành động ngay lập tức và bền vững để giúp thanh thiếu niên thay đổi tình trạng sử dụng mạng xã hội.
Bà Natasha Azzopardi-Muscat, Giám đốc hệ thống và chính sách y tế quốc gia WHO tại châu Âu, kêu gọi: "Điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện các bước để bảo vệ thanh thiếu niên, giúp giới trẻ điều hướng môi trường số một cách an toàn và trang bị cho họ khả năng đưa ra lựa chọn sáng suốt về các hoạt động trực tuyến". Bà Azzopardi-Muscat nhấn mạnh những người trẻ tuổi nên làm chủ mạng xã hội, chứ không phải để mạng xã hội làm chủ cuộc sống của mình.
WHO chi nhánh châu Âu cũng kêu gọi chính phủ các quốc gia nên đầu tư vào việc đưa kiến thức số vào trường học, tăng cường các dịch vụ sức khỏe tâm thần cũng như đào tạo giáo viên và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời thực thi trách nhiệm giải trình của các nhà cung cấp phương tiện truyền thông xã hội.
Bình luận (0)