Mười lăm năm qua, dưới góc nhìn của tôi, Sài Gòn đổi thay chóng mặt. Duy chỉ có cà phê quán cóc vỉa hè là vẫn vậy.
Ở Sài Gòn, nơi nào có đường, có hẻm thì nơi đó có cà phê cóc. Chỉ cần một chiếc xe đẩy, vài chiếc ghế xúp bằng nhựa là đủ dựng thành một quán cà phê. Cà phê cóc dường như giống nhau về cách thức pha chế và mùi vị. Một cái phin to đùng, chủ quán đổ vào đó cả nửa ký cà phê nhểu xuống cái ly khổng lồ. Tất cả được sang ra các chai nhựa rồi ngâm vô thùng đá. Cứ thế, chất nước màu đen được gọi là cà phê này bày bán cả ngày. Có khách đến gọi cà phê, chủ quán rót ra ly, bỏ đường vào đánh cho sủi bọt, tọng vô tràn trề nước đá rồi bưng ra. Người Sài Gòn uống cà phê như mọi thứ nước giải khát vậy.
Người Sài Gòn còn thích làm một ly cà phê đá ở vỉa hè để được chườn cái mặt mình ra cho thiên hạ dòm và được dòm thiên hạ đang tất tưởi đi lại. Cà phê cóc Sài Gòn đa phần không có bảng hiệu nhưng đều có tên gọi riêng do khách đặt.
|
Cà phê cóc sinh viên Sài Gòn thường nằm trước cổng các trường đại học. "Kỳ dị" nhất có lẽ là cà phê cóc của sinh viên Kiến trúc và Kinh tế nằm trên đường Nguyễn Ðình Chiểu (quận 1). Vào đó, không có ghế nhưng khách vẫn ngồi. Mỗi người được phát cho cục gạch hoặc tự cởi giày dép làm ghế. Ly cà phê cứ đặt thẳng xuống nền vỉa hè và uống. Cà phê như vậy mà cũng xôm trò.
Quán cóc vỉa hè của sinh viên Sài Gòn là nơi ta lắng nghe được nhiều giấc mộng lớn của những người trẻ tuổi. Không riêng hai quán cà phê cóc này, những quán nhỏ liêu xiêu trước các cổng trường đại học đều như thế. Một ly đen sủi bọt đắng nghét nhưng giấc mộng thì ngọt ngào làm sao!
Giới văn nghệ Sài Gòn có những quán cóc của riêng mình. Cuối hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch có nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đầu hẻm này là quán cà phê cóc của một đôi vợ chồng người Huế - đồng hương của nhạc sĩ. Từ rất lâu, cà phê 47 là điểm hẹn của nhiều giới, trong đó có nhiều nhà báo, nhà văn, họa sĩ…
Quán cóc, ghế xúp nhưng giá một ly cà phê đen ở đây ngang với bất kỳ quán có thương hiệu nào. Quán nằm trong hẻm rộng, dưới bóng cây xoài già mát rượi, ở ngay trung tâm thành phố nên nhiều người tìm đến dù chủ quán… chảnh thấy ớn. Có lẽ những câu chuyện không đầu không cuối về cố nhạc sĩ tài danh họ Trịnh được kể đi kể lại nhiều lần ở đó làm cho khách quên đi cái sự chảnh và đắt đỏ của quán cóc vỉa hè này.
Rất nhiều văn nghệ sĩ chọn quán cà phê Dung nằm trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, cách quán 47 không xa, quen gọi là quán Bông Giấy, vì sát vỉa hè của quán này có một giàn cây bông giấy nở hoa quanh năm. Có chút sắc màu thế thôi mà các thi sĩ ngồi đây đã hè nhau làm thơ và xuất bản cả một thi tập mang tên Bông & Giấy.
Trên đường Trần Quốc Thảo còn có quán cóc 58. Bà chủ quán 58 có vẻ chân chất. Mới rồi, bà hỏi ý kiến các nghệ sĩ ngồi quán mình rằng có nên đi du lịch Thái Lan vào lúc này. Các nghệ sĩ khuyên bà nên đi cho biết dù nhiều người… chưa biết Thái Lan "ất giáp" ra sao! Chắc là tiền đi du hý nước ngoài của bà cũng có một phần lớn từ các nghệ sĩ mỗi sáng "góp" vào. Có bao nhiêu người khá giả, trí thức, sang trọng hơn được sống nhàn hạ như bà chủ quán cà phê cóc 58?! So sánh thế thật không phải song cử nhân, thạc sĩ, nhà văn, nhà thơ ở xứ ta, phần đông kiếm sống còn thua một người đứng bán cà phê cóc, là một thực tế.
Trong cuộc mưu sinh dài dằng dặc kể từ ngày tôi bước chân vào Sài Gòn đi học, rồi đi làm, gần như ngày nào tôi cũng vào quán cóc. Một chiều cuối năm ngồi quán vắng, nhớ nhà, gặp người bán vé số nói giọng quê bỗng thấy chạnh lòng trong cảnh tha hương, chợt ngân nga: "Tuổi mười tám hăm hở vào đại học/ Có ngờ đâu mắc kẹt giữa Sài Gòn/ Mỗi sáng cử nhân ngồi quán cóc/ Ngóng chừng giọng nói của đồng hương".
Theo Trần Hoàng Nhân/Người Lao Động
Bình luận (0)