Lan tỏa trên mạng xã hội:

Quán cơm 2.000 đồng giữa thủ đô cho bệnh nhân ung thư

07/04/2023 12:05 GMT+7

Đều đặn 16 giờ 30 từ thứ hai đến thứ sáu, quán cơm "Nụ cười Shinbi" (cạnh Bệnh viện K Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) là điểm đến quen thuộc của hàng trăm người nhà, bệnh nhân ung thư, những người lao động nghèo.

Cư dân mạng thả tim cho quán cơm cũng như nhiều người đã tình nguyện đến quán phụ giúp.

Quán cơm mở ra bằng lòng nhân ái

Mỗi buổi, quán cơm "Nụ cười Shinbi" bán từ 120 - 200 suất ăn (bao gồm 30 suất gửi vào khoa Nhi của Viện K) với giá 2.000 đồng nhưng đủ dinh dưỡng gồm cơm, rau, cá, thịt, đồ tráng miệng. Thực đơn của quán cũng thay đổi từng ngày.

Quán cơm 2.000 đồng giữa thủ đô cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 1.

Mọi người tới ăn uống, trò chuyện vui vẻ

Đình Huy

Mang căn bệnh ung thư vú, bà Nguyễn Thị Vũ (quê Lai Châu) cho biết mình đến Bệnh viện K điều trị từ tháng 8.2022, mỗi đợt điều trị rất tốn kém nên bà tranh thủ đến đây ăn cơm để tiết kiệm chi phí. "Cơm rất ngon và đầy đủ dinh dưỡng, hơn nữa, ngồi đây ăn khiến tôi có cảm giác gần gũi như ở nhà. Tôi rất biết ơn tấm lòng của vợ chồng chủ quán và các nhà hảo tâm. Trong hoàn cảnh éo le, sự giúp đỡ này cho chúng tôi lạc quan, có thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật", bà Vũ tâm sự.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Võ Tiên Lâm (45 tuổi, trú Q.Đống Đa, Hà Nội), chủ quán "Nụ cười Shinbi", cho biết quán được mở từ ngày 9.3, tiền thân của quán là quán cơm "Yên Vui Tân Triều" của quỹ Bông Sen, hoạt động từ tháng 6.2021.

Quán cơm 2.000 đồng giữa thủ đô cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Lâm thăm hỏi, trao gửi những suất cơm yêu thương

Trước đây, ông Lâm là tình nguyện viên gắn bó suốt thời gian dài quán cơm này hoạt động. Khi nhận được thông tin quỹ từ thiện cũ ngưng tài trợ, quán buộc phải ngừng hoạt động, ông đã rất trăn trở vì không cam lòng chứng kiến cảnh những bệnh nhân ung thư mất một nơi nhận cơm từ thiện. "Mở lại quán cơm là quyết định liều lĩnh, bởi vợ chồng tôi không có nhiều tiền. Tính trung bình, nếu một ngày nấu 200 suất thì một năm phải mất 1 tỉ. Nhưng tôi nghĩ là cứ đi thì sẽ tới thôi. Sau một đêm suy nghĩ và bàn với vợ, tôi quyết định lấy lại quán này", ông Lâm kể.

Ông Lâm nhận được nhiều sự giúp đỡ từ bạn bè, cũng có rất nhiều người không quen biết xin số tài khoản để chuyển tiền, người khác chuyển rau, chuyển thịt, lương thực thực phẩm… và kêu gọi nhiều người cùng chung tay. Tuy nhiên, ông Lâm luôn thường trực nhiều nỗi lo khi duy trì hoạt động dài hạn. "Ngày đầu tiên người ta cảm thấy rất hào hứng và ủng hộ với những cái chúng tôi làm, nhưng sau đấy 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng thì người ta sẽ nghĩ là mình ủng hộ rồi, quán cứ thế mà chạy thôi. Đấy là điều tôi rất lo lắng. Nói chung, lo thì cũng lo thôi nhưng mình vẫn phải làm, đến đâu hay đến đấy", ông Lâm trải lòng.

Mong muốn gieo sự lạc quan

Thành viên của quán mỗi người một việc: phải sơ chế nguyên liệu từ sáng, nấu cơm từ trưa, dọn dẹp và bày biện bàn ghế… nhưng gương mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc bởi mang lại nụ cười cho những người không may mắn.

Nói về suất cơm 2.000 đồng, ông Lâm cho biết đó là giá tượng trưng, để mọi người có cảm giác vẫn trả tiền, không bị ái ngại, mắc nợ. "Đó là xuất phát từ sự tôn trọng người khác", ông Lâm nói và cho biết thêm mọi người chung tay duy trì quán hoạt động đều mang cái tâm làm thiện nguyện, chia sẻ khó khăn về kinh tế với người bệnh là chính. "Từ khi mở quán đến nay có một câu chuyện tôi rất nhớ. Đó là có những vị khách cùng phòng bệnh rủ nhau sang ăn cơm. Khi ăn xong, có một người đứng dậy nói "để tôi trả tiền bữa hôm nay cho, 10.000 đồng cho 5 người". Lúc đó, tôi thấy rất hạnh phúc", ông Lâm chia sẻ.

Ngoài việc có thể chia sẻ về gánh nặng kinh tế, mong ước của những người tổ chức quán là muốn các bệnh nhân ngồi đây ăn một bữa cơm thong thả, có thể trò chuyện, giao lưu với nhau để thêm tinh thần lạc quan, vượt qua bệnh tật.

Quán cơm 2.000 đồng giữa thủ đô cho bệnh nhân ung thư - Ảnh 3.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, ông Lâm bộc bạch: "Dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi tin quán cơm có thể hoạt động một cách trôi chảy, bài bản và tốt nhất, bởi vì trước đây đã có nền tảng rồi. Ngoài ra, bà con xung quanh, hàng xóm rất nhiệt tình, dễ mến, giúp đỡ và hỗ trợ chúng tôi, rồi các tình nguyện viên và bạn bè khác luôn luôn đồng hành thì quán sẽ duy trì lâu dài".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.