Quán cơm Nụ Cười vẫn mở cửa giúp người nghèo có tết

20/01/2023 10:10 GMT+7

Thay vì nghỉ về quê, làm việc nhà, chuẩn bị tết, năm nay một số nhân viên của quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng lại hào hứng bày quần áo cũ ra bán tại 2 địa điểm...

Năm nào cũng vậy, cứ qua 15 tháng chạp, các quán cơm Nụ Cười 2.000 đồng bắt đầu nghỉ bán, vì đa số người lao động nghèo nhập cư (khách ăn thường xuyên của quán) đã lục tục về quê khi vé xe, tàu chưa tăng giá.

Nhưng năm nay, thay vì nghỉ về quê, làm việc nhà, chuẩn bị tết, một số nhân viên của quán lại hào hứng bày quần áo cũ ra bán tại quán cơm Nụ Cười 1 (385 Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q.10) và quán cơm Nụ Cười 6 (11 Nguyễn Huy Lượng, P.14, Q.Bình Thạnh).

Cũ người mới ta. Đồ tây, áo đầm, đồ bộ, giày dép, túi xách, dây nịt… thứ gì cũng có, chỉ với giá 2.000 đồng/cái. Khách nghèo xôn xao đến lựa mua, đông nườm nượp.

Nhiều người cười hỉ hả: “Bỏ ra hai chục ngàn mua được 10 cái. Con, cháu, vợ chồng tha hồ mặc tết”.

Bà con lựa áo, quần 2.000 đồng cái về bận tết

lam yên

Có chị ướm thử đôi giày cao gót còn khá mới đi tới, đi lui xem vừa không thì chị khác thấy vậy lựa ngay chiếc áo đầm chấm bi, xúi: "Mua thêm cái này mặc chơi tết là bá cháy bọ chét luôn. Mua đi, rẻ rề".

Đàn ông cũng tới mua cho mình vài chiếc quần tây, áo sơ mi rồi phân trần: "Để dành mùng một tết đi chùa, ghé thăm hàng xóm chúc tết nên mặc cho lịch sự".

Đã vậy, anh Nguyễn Thế Khánh ở quán Nụ Cười 1 còn ngày ngày lên chợ đầu mối mua rau củ quả về bán giá vốn cho bà con. Cải thảo, cà rốt, bắp cải, dưa leo, củ cải, hành ngò, ớt, rau xanh… ngoài chợ mùa tết bán 20.000 - 30.000 đồng, quán chỉ bán 5.000 - 7.000, cao nhất 10.000 đồng.

Mấy bà bán vé số về trễ cũng ghé đến mua rau củ để "làm một hũ kim chi không có gì, ăn cơm cũng ngon, để ổng nhậu đưa cay cũng đã".

Tài xế xe công nghệ cũng tranh thủ sắm đồ tết 2.000 đồng cái

lam yên

Quán nào cũng có ba, bốn nhân viên đến bán hàng từ sáng đến tối, mệt bã người mà ai nấy đều tươi rói: "Hôm qua bán được bảy trăm, hôm nay bán cả triệu". 2.000 đồng/cái mà bán cả triệu nghĩa là bán 400, 500 cái chớ ít đâu.

Tiền bán được tất cả bỏ vô quỹ của quán để nấu cơm cho người nghèo hàng ngày. Còn tiền giữ xe, tiền bồi dưỡng của anh chị em, tất cả đều đưa vào quỹ giúp người khó khăn. Trong những ngày cận tết như vầy, những tiếng kêu cứu cần giúp đỡ cũng liên tục gọi đến quán.

Bị công ty cho tạm nghỉ việc trước tết cả tháng do không có hàng, chín công nhân trong khu nhà trọ ở ấp Lồ Ồ (H.Bến Cát, Bình Dương) không có tiền thưởng tết đã đành, mà lương cũng không có. Tìm việc, ngay cả xin đi phụ hồ cũng không dễ, dù ngày nào cũng đi hỏi xin việc rạc cẳng. Họ đâu đủ tiền về quê. Ở lại thì tiền phòng trọ, dẫu chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, cũng có đâu mà trả. Cùng đường bí lối, họ phải gọi đến quán cơm Nụ Cười nhờ giúp đỡ.

Thế là anh chị em trong quán đi đến tận từng hộ để xác minh. Thương lắm nhưng quán cũng chỉ giúp được mỗi hộ 1 triệu đồng, 10 kg gạo, vài chai dầu ăn, nước mắm.

Đâu chỉ vậy, hàng chục người nghèo vốn là khách ăn hàng ngày của quán, cũng lao đao trong những ngày quán nghỉ bán cơm như vầy. Đó là ông Hùng, bán vé số lại bị điếc. Đó là cô gái chuyên lượm ve chai kiếm sống, thuê phòng trọ ở H.Nhà Bè, mới 27 tuổi nhưng có 5 con nhỏ, chồng đi tù vì hút chích ma tuý. Đó là ông Trần Hồng Sơn 70 tuổi ở đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, hàng ngày phải chăm sóc người mẹ già 92 tuổi bị liệt và đứa em tâm thần...

Nhiều người còn khốn khó như thế, các quán cơm từ thiện Nụ Cười dẫu tạm nghỉ bán nhưng cũng không đành ở nhà nhìn bà con hàng ngày vẫn đến quán "ngó nghiêng, ngó ngửa" để chờ quán có gì đó cho họ không. Vì thế, tuy tết đã sát nút nhưng các anh chị em trong quán vẫn mở cửa, sáng đèn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.