Quân, dân cùng giải cứu thịt heo

29/04/2017 07:04 GMT+7

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước đang có gần 3 triệu hộ nuôi heo nhỏ lẻ đối mặt với khó khăn rất lớn khi giá heo xuống thấp nhất trong lịch sử của ngành chăn nuôi này.

Tại cuộc họp bàn cách tiêu thụ thịt heo do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 28.4, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cam kết vào cuộc giải cứu thịt heo đang dư thừa.
Theo Bộ NN-PTNT, cả nước đang có gần 3 triệu hộ nuôi heo nhỏ lẻ đối mặt với khó khăn rất lớn khi giá heo xuống thấp nhất trong lịch sử của ngành chăn nuôi này. Giá heo hơi loại tốt nhất (từ 100 - 110 kg/con) là 28.000 đồng/kg, nhiều nơi giảm xuống dưới 25.000 đồng/kg và dự báo còn tiếp tục xuống thấp vào các tháng hè. Hiện tại, cứ mỗi con heo xuất chuồng, người chăn nuôi đang lỗ 1,5 triệu đồng và hàng triệu hộ chăn nuôi, trang trại sẽ phá sản, ngành chăn nuôi heo đối mặt với nguy cơ đổ vỡ.
Ưu tiên tiêu thụ ở nông hộ
Cũng theo bộ này, ngay sau cuộc gặp gỡ giữa người đứng đầu Bộ NN-PTNT và các doanh nghiệp (DN) ngành chăn nuôi mới đây, đã có 5 DN giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 200 - 500 đồng/kg, tương đương khoảng 100 tỉ đồng/tháng, nhằm chia sẻ khó khăn cho người chăn nuôi heo. Một số DN chăn nuôi, giết mổ tạm thời ngừng bán thịt ra ngoài thị trường, đưa vào cấp đông, nhường lại thị phần tiêu thụ cho hàng triệu nông hộ đang khốn khó.
Trước tình trạng trên, đại diện lực lượng vũ trang, các tổ chức, đoàn thể cho rằng, giải pháp cấp bách nhất là kêu gọi, vận động người tiêu dùng tiêu thụ thịt heo bằng những hành động cụ thể. Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, thông tin: Ngay trong sáng 28.4, Bộ Công an triệu tập một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo công an tỉnh trên toàn quốc để tính toán lại chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn của cán bộ chiến sĩ, ưu tiên sử dụng thịt heo tại các bếp ăn tập thể. Bằng cách này, mỗi tháng, toàn ngành công an đảm bảo bao tiêu khoảng vài chục nghìn tấn thịt heo.
Thiếu tướng Phan Bá Dân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), cũng khẳng định quân đội sẽ đồng hành cùng các hộ chăn nuôi sớm vượt qua khó khăn này. Theo thiếu tướng Dân, ngay sau hội nghị này, Tổng cục Hậu cần trình kế hoạch lên Bộ Quốc phòng triển khai trong các đơn vị trong toàn quân thu mua, tiêu thụ thịt heo cho người dân.
Cũng tại hội nghị, đại diện Tổng LĐLĐ VN, Liên minh Hợp tác xã VN, T.Ư Hội Nông dân... đều cam kết kêu gọi các đơn vị trong hệ thống truyền thông, vận động người lao động, cán bộ, hội viên ưu tiên dùng thịt heo trong bữa ăn hằng ngày, góp phần sớm đưa giá heo bình ổn trở lại.
“Đối với 45% thịt heo trong các trang trại, DN chăn nuôi hiện nay, Bộ đang kêu gọi DN chế biến tăng lượng giết mổ trữ đông và chế biến thành thịt nguội, xúc xích... sử dụng lâu dài. Khó nhất là 55% thịt heo của 3 triệu nông hộ thì cần có sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành đoàn thể để hỗ trợ tiêu thụ cho người dân”, ông Cường kêu gọi.
Tái cơ cấu chăn nuôi gắn với thị trường
Chia sẻ khó khăn của người chăn nuôi và thống nhất hỗ trợ tiêu thụ, nhưng đại diện các đơn vị thẳng thắn chỉ rõ bất cập của ngành nông nghiệp khi chỉ trong 2 năm gần đây, có quá nhiều cuộc giải cứu nông sản, bây giờ là thịt heo. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng nhiều năm nay ngành chăn nuôi heo chỉ tăng về lượng không tăng về chất. Ngay cả thị trường Trung Quốc vốn dễ tính nhất, nhu cầu tiêu dùng rất lớn, nhưng chưa nhập khẩu chính ngạch heo của VN. Hiện nay, thị trường xuất khẩu heo của VN chủ yếu là Malaysia, Hồng Kông, trong đó đa số là heo sữa, nhưng cũng không đáng kể, còn lại các thị trường khác thì chưa thấy đâu. “Ngành nông nghiệp nên căn cứ từ nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước để tái cơ cấu hiệu quả và hướng đến chăn nuôi heo chất lượng cao, hạ giá thành sản xuất để thịt heo VN tăng sức cạnh tranh thì mới mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Hải khuyến nghị.
Ông Lương Quốc Đoàn, Phó chủ tịch T.Ư Hội Nông dân VN, thì kiến nghị các bộ, ngành phải xem lại quy trình quản lý ở sản phẩm đầu vào lẫn đầu ra của ngành chăn nuôi hiện nay, khi người nông dân trực tiếp chăn nuôi quá thiệt thòi. “Giá thức ăn chăn nuôi thì không rẻ, ngay cả lúc này, thịt heo hơi có nơi thấp nhất xuống đến 12.000 đồng/kg, nhưng ngoài chợ, thịt heo rẻ nhất là 60.000 đồng/kg, gần như toàn bộ lợi nhuận rơi vào khâu trung gian”, ông Đoàn nói.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận trách nhiệm Bộ phải đẩy nhanh các giải pháp dài hạn, từng bước khắc phục những bất cập trong ngành chăn nuôi heo hiện nay, vì nếu còn duy trì 3 triệu hộ nuôi heo, tương lai sẽ còn nhiều cuộc giải cứu. Theo đó, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê lại cơ cấu đàn heo và đề nghị T.Ư Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã VN cùng hỗ trợ vận động người chăn nuôi nhỏ lẻ liên kết hình thành các hợp tác xã để dễ dàng liên kết với DN, chăn nuôi gắn với đầu ra sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Bên cạnh đó, vận động các hộ chăn nuôi heo chủ động chuyển sang chăn nuôi gia súc lớn, hoặc chuyển hướng chăn nuôi heo sạch, chọn giống đặc sản, nâng cao chất lượng của sản phẩm.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, thịt heo dư thừa hiện nay có nguyên nhân từ số lượng đàn heo nái tăng quá nhanh, khi hiện nay cả nước có tới 4,2 triệu con. Theo định hướng của bộ này, các DN, người chăn nuôi phải giảm đàn heo nái từ 4,2 triệu con xuống mức 3,9 triệu con vào năm 2019 và tái cơ cấu đàn heo sẽ tính đến tương quan cơ cấu, cân đối các nguồn thực phẩm, chứ người tiêu dùng không thể ăn nhiều thịt heo mãi được.
T.Ư Đoàn huy động thanh niên tình nguyện giải cứu thịt heo
Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết trước mắt T.Ư Đoàn vận động 222 DN hội viên của Hội Doanh nhân trẻ VN đang có bếp ăn tập thể phục vụ trên 121.000 người lao động cam kết tham gia tiêu thụ thịt heo, mỗi ngày khoảng 60 tấn; phát động các tỉnh, thành đoàn trên phạm vi cả nước vào cuộc hỗ trợ người dân tiêu thụ bằng mọi cách. Cũng theo anh Tuấn, nếu DN tổ chức giết mổ heo ở các điểm tập trung, thanh niên tình nguyện sẽ nhận vận động người dân tiêu thụ, vận chuyển miễn phí từ nơi giết mổ đến các hộ gia đình, bếp ăn có nhu cầu.
Đến cuối giờ chiều 28.4, T.Ư Đoàn đã có kế hoạch triển khai các hoạt động cụ thể tham gia giải cứu thịt heo. Cụ thể, website và trang mạng xã hội của T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, chia sẻ các thông tin, thông điệp hỗ trợ người chăn nuôi heo. Các DN của T.Ư Hội tăng lượng sử dụng thịt heo vào các bữa ăn liên tục từ tháng 5 - 7; Trung tâm hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn mở 20 điểm bán hàng, cung cấp các sản phẩm thịt heo, có đăng ký mua và bán hàng online, vận chuyển miễn phí đến người tiêu dùng. Ngoài ra, T.Ư Đoàn tổ chức lực lượng tình nguyện viên tham gia phân phối các sản phẩm thịt heo theo yêu cầu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Dự kiến ngày 9.5, T.Ư Đoàn ra quân các điểm bán thịt heo hỗ trợ người chăn nuôi.
Tạm dừng tái xuất thịt heo qua đường mòn, lối mở
Kết luận cuộc họp khẩn với một số bộ, ngành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân chăn nuôi lợn diễn ra ngày 28.4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN-PTNT tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thịt tại thị trường nội địa. Bộ NN-PTNT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương trong việc chỉ đạo các DN, cơ sở có năng lực dự trữ, chế biến, tiêu thụ tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt heo, thịt gia cầm trong các tháng mùa hè sắp tới; phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các DN sản xuất kinh doanh áp dụng các giải pháp về công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Bộ NN-PTNT, Công thương, Ngoại giao được yêu cầu tập trung mở rộng thị trường ngoài nước, đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm của ngành chăn nuôi heo.
Một giải pháp cấp bách được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công thương thực hiện là hướng dẫn ngay việc tạm dừng không cho phép tái xuất thịt lợn và các phủ tạng của lợn đông lạnh qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở.
Chí Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.