Đó là ý kiến của đông đảo bạn đọc sau bài Bộ GTVT nói về thu phí lưu hành xe cá nhân đăng trên Thanh Niên ngày 4.1.
Liệu có hạn chế?
"Thu phí lưu hành không có nghĩa là để người dân không đi nữa, mà để mọi người hạn chế đi lại". Câu nói này của Bộ trưởng Đinh La Thăng nghe bất ổn. Lẽ nào sau khi nộp phí lưu hành, người dân lại hạn chế sử dụng xe? Nếu đã nộp phí rồi thì người dân sẽ tăng cường sử dụng xe bởi tiền bỏ ra rồi, xài cho nó… lại vốn. Hơn nữa, phải đóng phí, thêm một khoản chi cho cuộc sống, bắt buộc người dân phải tăng cường làm việc, thế là phải đi nhiều. Vậy ra, biện pháp Bộ GTVT đưa ra khiến người dân đi nhiều chứ hạn chế sao được?
Hứa làm được, người dân sẵn sàng
Tôi đồng ý tất cả đề xuất của Bộ trưởng nhưng ông phải trả lời rõ ràng câu hỏi: "Thu hai loại phí này bao lâu thì giảm ùn tắc? Không giảm được thì có trả lại tiền cho người dân hay không?". Việc thu phí thì thực hiện ngay, có chế tài mạnh nhưng kết quả thì... phải chờ. Theo ước tính của Bộ GTVT, mức thu phí mỗi năm sẽ tăng 10%; như vậy, theo logic, mỗi năm chất lượng cầu đường phải tăng 10%, tai nạn giao thông và tình trạng kẹt xe giảm 10%. Sau 10 năm, đường sá ở Việt Nam sẽ tốt như ở Mỹ, Anh hay Thụy Điển; tai nạn giao thông và tình trạng kẹt xe sẽ giảm 100% (!?). Nếu Bộ trưởng hứa làm được như thế thì ai cũng sẵn sàng đóng phí.
Nguyen Van Can (cocan2007@yahoo.com)
Chưa thuyết phục
Các câu trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục. Ông chủ trương thực hiện việc thu phí một cách "khẩn trương, quyết liệt", kèm theo "chế tài mạnh", nghĩa là cho dù đại đa số người dân và xã hội không đồng tình thì ông cũng quyết làm? Trong khi đó, hiệu quả của việc sử dụng nguồn thu từ dân ra sao thì ông lại nói rất mông lung, không rõ ràng và cũng chẳng thấy nói cơ quan nào sẽ quản lý hay giám sát việc sử dụng nguồn thu này cả.
Ngọc Tú (hlnt1978@yahoo.com)
Khó so sánh
Ông Bộ trưởng luôn so sánh VN với Anh - Mỹ - Singapore... mà lại không nghĩ rằng nền kinh tế của họ, thu nhập người dân của họ cao hơn người dân mình cả trăm lần trong hiện tại. Tôi nghĩ giải pháp chống ùn tắc, tai nạn giao thông phải được tổng hợp sức mạnh của nhiều bộ, ngành, ví dụ, Bộ Xây dựng phải có tầm nhìn xa về quy hoạch khu dân cư, di dời giãn dân ở trung tâm các TP lớn; Bộ Công an phải xử lý nghiêm người vi phạm giao thông và cán bộ trong ngành nhận tiền mãi lộ...
Nguyễn Khánh Vy (klinvy@gmail.com)
Quá nóng vội
Bộ trưởng Thăng nên hiểu cho, ở các nước tiên tiến mà Bộ trưởng học tập, lý do họ thu phí lưu hành xe cá nhân cao bởi phương tiện công cộng nước họ phát triển quá tốt, quá bền vững, nhà nước khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Còn ở Việt Nam thì sao? Tại sao không xây dựng phương tiện công cộng tốt như bên nước họ rồi thu phí cao, lúc ấy cũng chưa muộn mà?
Thanh Hoài (thanhthoai123@yahoo.com)
Trần Diễm Thơ - Đức Minh, Đắk Mil, Đắk Nông: Trước đây tôi rất ngưỡng mộ Bộ trưởng Đinh La Thăng trước những phát biểu có tính đổi mới, thẳng thắn. Nhưng qua vụ thu phí xe này, tôi thấy lấn cấn rồi. Phan Minh Chánh - sinh viên ngành quản lý nhà hàng khách sạn Trường ĐH Taylor (Malaysia): Ở nước ta, khi hệ thống phương tiện giao thông công cộng còn rất tệ, người dân buộc phải đi xe máy, bây giờ lại thu phí như thế, ai chịu nổi... Huỳnh Thanh Bình - công nhân, Sông Mây, Trảng Bom, Đồng Nai: Làm công nhân, lương thấp, ngoài ăn ở, sinh hoạt, các khoản phí khác, nay phải gánh thêm khoản phí xe nữa là rất nặng nề. |
Thanh Đông
(tổng hợp)
Bình luận (0)