Quan điểm về Biển Đông của các ứng viên tổng thống Philippines

Bảo Vinh
Bảo Vinh
10/02/2022 07:30 GMT+7

Cuộc bầu cử tổng thống tại Philippines đã bước vào giai đoạn then chốt và quan điểm của các ứng viên về vấn đề Biển Đông có thể là một trong những yếu tố quyết định đến cuộc đua.

Ngày 8.2 vừa qua, Philippines chính thức bước vào giai đoạn vận động cho cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5. Những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông có khả năng sẽ là chủ đề nóng mà các ứng cử viên cần tập trung để giành được sự ủng hộ của cử tri. Từ cuối năm 2020, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Rodrigo Duterte được cho là đã có một quan điểm công khai chống lại Trung Quốc nhiều hơn so với hầu hết giai đoạn đầu.

Sự chuyển hướng có thể xuất phát từ nhận thức ngày càng rõ ràng trong chính quyền rằng lập trường mềm mỏng với Trung Quốc đã không mang lại sự nhượng bộ đáng kể. Điều này được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất mãn của người dân Philippines, yếu tố có thể xoay chuyển kết quả bỏ phiếu sắp tới. Các cuộc khảo sát cho thấy người dân Philippines ngày càng ủng hộ lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông, gồm đề cao phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, hiện đại hóa quân đội và tăng cường liên minh quân sự với Mỹ để bảo vệ lợi ích của Philippines.

(Từ trái sang) Ông Ferdinand Marcos Jr, bà Leni Robredo, ông Manny Pacquiao, ông Isko Moreno và ông Panfilo Lacson

Reuters/AFP

Duy trì cách tiếp cận song phương

Trong cuộc bầu cử sắp tới có nhiều ứng viên, trong đó đáng chú ý có cựu thượng nghị sĩ Ferdinand Marcos Jr, Phó tổng thống Leni Robredo, Thị trưởng Francisco Domagoso (còn có tên là Isko Moreno) của Manila, siêu sao quyền anh Manny Pacquiao và cựu lãnh đạo cảnh sát Panfilo Lacson.

Trong số này, ông Marcos Jr, con trai của nhà độc tài Ferdinand Marcos, đang dẫn đầu trong các cuộc khảo sát thăm dò. Thông qua những phát ngôn của ông Marcos Jr, đã có những đánh giá cho rằng ông sẽ lặp lại chính sách của ông Duterte là đặt phán quyết về Biển Đông sang một bên để ưu tiên hợp tác với Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn Đài DZRH hồi cuối tháng 1, ông Marcos Jr gọi vụ kiện của Philippines là “không hiệu quả” và thỏa thuận song phương với Trung Quốc là “lựa chọn thực tế duy nhất”, theo Bloomberg. Bên cạnh đó, ông cũng lặp lại lập luận yêu thích của ông Duterte rằng Philippines sẽ thua cuộc nếu chiến tranh với Trung Quốc, thậm chí còn hoài nghi về sự cần thiết của việc hiện đại hóa quân đội. Ứng cử viên này cho biết có kế hoạch đàm phán một thỏa thuận với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông nếu đắc cử, dù cũng nhấn mạnh vai trò của ASEAN.

Trong số các ứng viên, ông Marcos Jr được cho là ứng viên liên kết nhiều nhất với Bắc Kinh khi cha ông là người ký tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1975. Ngày nay, Trung Quốc còn duy trì một tòa lãnh sự tại TP.Laoag, thủ phủ tỉnh Ilocos Norte, nơi được xem là lãnh địa của gia tộc chính trị Marcos, theo tờ South China Morning Post.

Đa phương hóa

Trái lại, các ứng viên còn lại đều tỏ dấu hiệu rằng họ sẽ đối phó Trung Quốc trong khả năng của mình.

Trong cuộc phỏng vấn trên Đài GMA hồi tháng 1, Phó tổng thống Robredo nói sẽ lập liên minh các nước chống lại hành động quân sự của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, bà cũng để ngỏ cánh cửa ngoại giao và từng nói sẵn sàng tham gia hoạt động thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc, với điều kiện phải tôn trọng chủ quyền của Philippines.

Ông Lacson cũng hé lộ khả năng hợp tác với Trung Quốc nhưng sẽ không dễ dãi liên quan đến vấn đề chủ quyền. Trong cùng cuộc phỏng vấn với GMA, ông Lacson cho rằng Philippines nên tăng cường liên minh với Mỹ, Nhật, Úc, EU. Tháng 7.2021, ông Lacson hối thúc chính quyền tìm sự ủng hộ đa phương đối với phán quyết năm 2016.

Ông Pacquiao đã cam kết sẽ không để Trung Quốc bắt nạt tại Biển Đông nhưng cũng đề xuất đối thoại hòa bình với Bắc Kinh.

Ông Moreno cho rằng Philippines phải gia tăng hiện diện quân sự tại vùng tranh chấp nhưng cũng sẵn sàng trao hợp đồng thăm dò dầu khí chung cho công ty Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vị thị trưởng từng tuyên bố nếu trở thành tổng thống, ông sẽ sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 như là công cụ mặc cả với Trung Quốc trong việc khẳng định quyền đánh bắt của ngư dân Philippines tại vùng biển mà nước này có yêu sách.

Nghiên cứu của Mỹ là cơ sở phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Cuộc bầu cử tại Philippines chính thức diễn ra vào ngày 9.5 với khoảng 67,5 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu. Ngoài tổng thống, cử tri cũng sẽ chọn ra các vị trí khác như phó tổng thống, thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ và các chức vụ khác trong chính quyền các cấp. Philippines chỉ áp dụng một vòng bỏ phiếu duy nhất và ứng viên nào giành số phiếu nhiều nhất sẽ trở thành tổng thống. Tổng thống, phó tổng thống và thượng nghị sĩ sẽ làm việc trong nhiệm kỳ 6 năm, còn các chức vụ khác có nhiệm kỳ 3 năm.

Do việc bầu tổng thống là riêng biệt so với phó tổng thống nên có thể xảy ra trường hợp hai ứng viên của hai phe đối lập đắc cử, như trường hợp của ông Duterte và bà Robredo. Ứng viên hàng đầu hiện nay là ông Marcos Jr, tranh cử cùng Thị trưởng TP.Davao Sara Duterte-Carpio, con gái của Tổng thống Duterte.

Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, trong bài phân tích trên ấn phẩm Fulcrum của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định nếu ông Marcos Jr đắc cử, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục chính sách của ông Duterte và có thể sẽ đảo ngược việc hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, nếu bà Robredo hay bất kỳ ứng viên nào khác thắng, có khả năng Philippines sẽ có đường hướng khác dù sẽ vấp phải những khó khăn do tác động của chính sách xoay trục về Trung Quốc thời ông Duterte. Tuy nhiên, chính quyền Philippines khi đó rõ ràng là sẽ ưu tiên hơn trong việc nhấn mạnh phán quyết của Tòa trọng tài, cải thiện mối liên minh với Mỹ và ủng hộ một cách tiếp cận nhất quán hơn của ASEAN về Biển Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.