(TNO) Anh đang âm thầm lên kế hoạch khôi phục sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh bằng cách đặt các căn cứ hải lục không quân tại khu vực, theo một tổ chức nghiên cứu quốc phòng nước này vào hôm nay, 29.4.
Việc rút toàn bộ binh sĩ Anh tại Afghanistan vào năm tới sẽ mang lại cơ hội độc nhất vô nhị để thay đổi quyết định triệt thoái khỏi “phía đông Suez” của Vương quốc Anh cách đây nhiều thập niên, theo Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
|
Vào năm 1968, chính phủ của Thủ tướng Harold Wilson đã quyết định đóng cửa hàng loạt căn cứ quân sự tại vùng Vịnh và Anh chính thức hoàn tất việc rút quân vào năm 1971, cho phép các nước vùng Vịnh trở thành các quốc gia độc lập.
RUSI nhận xét quân đội Anh đang xem xét thay đổi một phần quyết định “phía đông Suez” ngày ấy.
“Quân đội dự tính xây dựng một sự hiện diện bền vững và bao trùm tại vùng Vịnh, không phải là vết tích kiểu đế quốc rành rành nhưng là sự hiện diện thông minh”, Giám đốc RUSI Michael Clarke viết.
Bất kỳ sự hiện diện mới nào của Anh sẽ tập trung vào Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nơi không quân Anh đang tính sử dụng căn cứ không quân al-Minhad, theo RUSI.
Hải quân Anh vốn luôn duy trì ba tàu rà phá thủy lôi và ít nhất một tàu hộ tống hoặc tàu khu trục tại vùng Vịnh, với sự hỗ trợ từ một nhóm nhỏ nhân viên đóng tại Bahrain. RUSI gợi ý rằng đội tàu này có thể sẽ được tăng viện.
Lục quân Anh cũng có kế hoạch sử dụng mối quan hệ với quân đội Oman để đóng quân tại nước này. Việc đặt căn cứ tại Oman sẽ cho phép lục quân Anh sử dụng địa hình tại đây để trau dồi kỹ năng chiến đấu trên sa mạc.
Theo RUSI, việc di chuyển vũ khí và quân nhân từ Afghanistan đến vùng Vịnh sẽ ít tốn kém hơn việc mang họ trở lại nước Anh. Ngoài ra, mối quan hệ thương mại của Anh với các nước vùng Vịnh đang ngày càng trở nên quan trọng.
Có khoảng 100.000 công dân Anh sống tại UAE, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đạt mức 14 tỉ bảng vào năm ngoái. Qatar hiện là nguồn cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất của Anh. Việc triển khai tại vùng Vịnh cũng mang lại cho Anh cơ hội quảng cáo các loại vũ khí, khí tài.
Theo tờ Telegraph, có hai giả định dẫn đến quyết định triệt thoái khỏi phía đông Suez vào thập niên 1960. Đó là giá dầu được cho sẽ không tăng cao hơn giá 4 USD/một thùng vào lúc đó và Iran, dưới sự cai trị của vương triều Shah, vẫn sẽ là đồng minh đáng tin cậy của Anh.
Việc hai giả định này trở nên không còn đúng đắn cùng sự phồn thịnh ngày càng gia tăng ở vùng Vịnh giúp giải thích lý do tại sao quyết định trên đang được xem xét lại một cách âm thầm.
Sơn Duân
>> Mỹ điều thêm tàu ngầm đến vùng Vịnh
>> Các nước vùng Vịnh công nhận liên minh đối lập Syria
>> Iran cáo buộc Anh tạo xung đột mới ở vùng Vịnh
>> 30 nước rầm rộ tập trận ở vùng Vịnh
>> Mỹ tăng cường phòng thủ tên lửa ở vùng Vịnh
Bình luận (0)