Quân đội Myanmar: 'Chúng tôi quen với cấm vận và vẫn sống sót'

Văn Khoa
Văn Khoa
04/03/2021 11:06 GMT+7

Một quan chức Liên Hiệp Quốc cho hay quân đội Myanmar vừa tuyên bố sẵn sàng đương đầu với lệnh cấm vận và cô lập, giữa lúc cộng đồng quốc tế lên án cách lực lượng an ninh Myanmar đối phó người biểu tình.

Reuters hôm nay 4.3 dẫn lời đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener khẳng định 38 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình ở Myanmar hôm 3.3, ngày chết chóc nhất kể từ khi quân đội lên nắm quyền trong cuộc cuộc chính biến ngày 1.2.
Bà Schraner Burgener cho hay trong cuộc liên lạc mới đây với Phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win, bà đã cảnh báo với ông này rằng quân đội Myanmar có thể đối mặt các biện pháp mạnh từ một số nước và tình trạng bị cô lập vì cuộc chính biến.

"Ngày đẫm máu nhất" trong biểu tình Myanmar: 38 người thiệt mạng

“Câu đáp lại là “Chúng tôi quen với các lệnh cấm vận và chúng tôi vẫn sống sót”. Khi tôi cảnh báo thêm rằng họ sẽ bị cô lập, câu đáp lại là: 'Chúng tôi phải học cách đồng hành với chỉ vài người bạn'”, bà Schraner Burgener cho giới phóng viên ở thành phố New York (Mỹ) hay về cuộc liên lạc với ông Soe Win, theo Reuters.
Nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu, đã thực hiện hoặc đang xem xét các lệnh cấm vận nhắm vào quân đội Myanmar và các đồng minh kinh doanh của lực lượng này. Hồi tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar, nhưng không lên án cuộc chính biến vì sự phản đối của Nga và Trung Quốc, theo Reuters. Hai nước này xem cuộc chính biến là chuyện nội bộ của Myanmar.
“Tôi hy vọng họ nhận ra rằng đó không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn có tác động tới ổn định của khu vực”, bà Schraner Burgener nói về Trung Quốc và Nga. Bà Schraner Burgener cho biết thêm bà tin rằng quân đội Myanmar “bất ngờ” khi có phong trào biểu tình chống cuộc chính biến. “Ngày nay, chúng ta có nhiều người trẻ sống trong tự do hơn 10 năm, họ có mạng xã hội, được tổ chức tốt và có quyết tâm. Họ không muốn trở lại chế độ độc tài và tình trạng bị cô lập”, bà Schraner Burgener nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.