Trước những quan ngại về sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa quân đội và chính phủ mới,
tướng Min Aung Hlaing, Tư lệnh quân đội Myanmar đã tổ chức cuộc họp báo hiếm hoi hôm qua 13.5 tại đại bản doanh nằm bên ngoài thủ đô Naypyitaw để giải thích về điều này.
“Chúng tôi không có ý do nào để phủ nhận quyền lãnh đạo của chính phủ dân cử. Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ của mình dưới sự lãnh đạo của chính phủ. Điều này đúng theo hiến pháp”, tướng Hlaing nói với giọng điệu ôn hòa, theo AFP ngày 14.5.
Tướng Hlaing còn cho biết quân đội cũng tương tác với giới cầm quyền theo đúng luật pháp như thường xuyên báo cáo các vấn đề quan trọng cho tân Tổng thống Htin Kyaw và cả
cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi khi cần thiết. Quân đội Myanmar đang trình chính phủ nước này xem xét dự án ngân sách mới, theo Reuters.
Mối quan hệ giữa quân đội với đảng NLD, cụ thể là bà Suu Kyi, sẽ quyết định sự thành công của Myanmar cả về kinh tế và mục tiêu chuyển đổi chính trị của quốc gia này từ chính quyền quân sự kéo dài nhiều thập niên sang dân sự sau cuộc bầu cử hồi năm 2015.
Cuộc bầu cử lần đầu tiên theo mô hình dân chủ được tổ chức ở Myanmar đã mang lại chiến thắng lớn cho đảng NLD và đưa bà Suu Kyi tham gia điều hành đất nước dù không phải ở cương vị cao nhất là tổng thống.
Một cuộc biểu tình ở Myanmar Reuters
|
Từng ngăn cản sự lãnh đạo của bà Suu Kyi hồi thập niên 1990 của thế kỷ trước dù bà lãnh đạo đảng của mình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lúc đó, quân đội Myanmar đã thay đổi và chấp nhận sự lãnh đạo của đảng đối lập. Quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát ở Myanmar và nắm giữ 25% trong quốc hội.
Các nghị sĩ quốc hội thuộc phe quân đội phản đối dự thảo trao quyền lực cho bà Suu Kyi với tư cách là cố vấn nhà nước. Nhưng cuối cùng dự thảo cũng được lưỡng viện quốc hội thông qua, một thành công của phe chính phủ khiến giới quan sát quan ngại sự căng thẳng sẽ xuất hiện giữa họ với quân đội.
Chính phủ của đảng NLD buộc phải tìm cách dung hòa với quân đội khi đưa ra dự thảo mới kiểm soát biểu tình và trình quốc hội xem xét hồi tuần qua.
Dù bị phản ứng dữ dội từ các tổ chức dân sự, thậm chí từ những người từng ủng hộ, do dự thảo có những điều luật siết chặt quyền biểu tình, nhưng bà Suu Kyi và đảng NLD vẫn tiếp tục xúc tiến dự thảo này và sẽ đẩy lên thành luật.
Bình luận (0)