Theo AP, quân đội đã đình chỉ hiến pháp, kêu gọi tổ chức bầu cử mới và tuyên bố sẽ thành lập chính phủ dân sự tạm quyền. Hàng triệu người chống chính quyền Morsi tập trung ở quảng trường Tahrir của thủ đô Cairo hò reo vang dội trong khi những địa điểm biểu tình của nhóm ủng hộ ông bị binh sĩ và xe thiết giáp kiểm soát chặt chẽ. Ít nhất 9 người đã thiệt mạng do các vụ bạo lực mới ở một vài thành phố.
|
Cũng trong ngày 4.7, Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Adly Mansour đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời theo chỉ định của SCAF. Ngay sau khi nắm quyền, chính phủ mới đã bắt giữ ông Mohamed Badie, lãnh đạo lực lượng Huynh đệ Hồi giáo vốn là phe hậu thuẫn chính của ông Morsi, theo AFP. Trước đó, một số nguồn tin cho biết vị tổng thống bị lật đổ cùng 12 quan chức khác đang bị quân đội quản thúc.
Quân đội Ai Cập hành động sau 4 ngày xảy ra những cuộc biểu tình thậm chí lớn hơn cả đợt xuống đường lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011. Đa số người dân Ai Cập cáo buộc ông Morsi “cướp quyền lực về tay Hồi giáo”, cụ thể là phe Huynh đệ Hồi giáo, cũng như không vực dậy được nền kinh tế đang tụt dốc. Giới quan sát nhận định kết cục hiện tại của ông Morsi là hậu quả của việc Huynh đệ Hồi giáo ủng hộ lật đổ chế độ Mubarak để tìm cơ hội vào chính trường nhưng khi cầm quyền lại có vẻ thâu tóm quyền lực.
Hôm qua, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ quan ngại về diễn biến tại Ai Cập nhưng tránh dùng từ “đảo chính” do Mỹ đang có quan hệ gần gũi và ổn định với quân đội Ai Cập. Các nước Anh, Nga và Trung Quốc kêu gọi kiềm chế trong khi Đức chỉ trích cuộc chính biến là “bước lùi về dân chủ”, theo AFP. Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì tuyên bố việc ra đi của ông Morsi đã chấm dứt cái gọi là “Hồi giáo hóa chính trị”. Ông Morsi cũng là một trong những người từng lớn tiếng kêu gọi lật đổ Tổng thống al-Assad.
Các chuyên gia nhận định sự ra đi của ông Morsi làm dấy lên quan ngại về nguy cơ tái diễn đợt chính biến Mùa xuân Ả Rập năm 2011 tại khu vực. Ngày 4.7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov khẳng định Mùa xuân Ả Rập “không mang lại dân chủ mà chỉ có bạo loạn”. Lo ngại trên không phải không có cơ sở khi Tunisia, nơi khởi phát đợt chính biến, cũng đang có chính quyền do Huynh đệ Hồi giáo lãnh đạo gây nhiều bất bình trong dân chúng. Tình hình Ai Cập cũng đe dọa đến nỗ lực hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như việc giải quyết khủng hoảng Syria.
Gần 100 phụ nữ bị cưỡng bức Trang Middle East Monitor hôm qua dẫn thông báo của các tổ chức nhân quyền cho biết có gần 100 phụ nữ bị tấn công tình dục tại Cairo trong 4 ngày biểu tình vừa qua. Theo đó, ít nhất 91 phụ nữ đã bị cưỡng hiếp tại quảng trường Tahrir còn các vụ khác xảy ra tại khu vực lân cận. Trong các nạn nhân có cả một nữ phóng viên người Hà Lan. |
Trùng Quang
>> Adli Mansour chính thức làm Tổng thống lâm thời Ai Cập
>> Quân đội Ai Cập đóng cửa các đài truyền hình
>> Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour: Một thẩm phán lâu đời
>> Mỹ xem xét viện trợ Ai Cập, Anh kêu gọi các bên bình tĩnh
>> Cựu Tổng thống Ai Cập bị bắt giữ
>> Quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Morsi
>> Quân đội Ai Cập chuẩn bị kế hoạch hậu Morsi
>> Tổng thống và quân đội Ai Cập thề “một mất một còn”
>> Giá dầu lên gần 102 USD/thùng vì bất ổn tại Ai Cập
Bình luận (0)