Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, vừa qua, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri TP.Hải Phòng do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển tới. Theo đó, cử tri TP.Hải Phòng đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để thu hút được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn mới, phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tại kỳ họp 6 cuối năm 2023
GIA HÂN
Cụ thể, cử tri TP.Hải Phòng kiến nghị xem xét nâng độ tuổi phục vụ trong quân ngũ (tuổi nghỉ hưu - PV) và thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với ngành lao động đặc thù để khi nghỉ hưu cán bộ quân đội không bị thiệt thòi, nhằm phát huy và tận dụng những kiến thức, kinh nghiệm, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.
Quân đội xem xét tăng tuổi nghỉ hưu sĩ quan
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo tổ chức tổng kết thực hiện luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên đến cấp Bộ Quốc phòng.
Trên cơ sở kết quả tổng kết và lộ trình thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 17.1.2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng sẽ xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp, trong đó có tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan.
Theo luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi năm 2019, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan quân đội được phân theo cấp bậc hàm. Cụ thể, cấp úy là 46 tuổi; cấp thiếu tá là 48 tuổi; cấp trung tá là 51 tuổi; cấp thượng tá là 54 tuổi. Các độ tuổi nói trên áp dụng cho cả nam lẫn nữ.
Từ cấp đại tá, hạn tuổi cao nhất đối với nam là 57 tuổi, còn nữ là 54 tuổi. Đối với cấp tướng thì nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi.
Luật cũng quy định rõ, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ so với quy định nhưng không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị tại một số đơn vị như tư lệnh quân đoàn, sư đoàn trưởng, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, lữ đoàn trưởng… do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng không vượt quá hạn tuổi cao nhất của sĩ quan nói trên.
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua luật Công an nhân dân sửa đổi, trong đó sửa đổi hạn tuổi cao nhất của sĩ quan công an để đồng bộ với độ tuổi lao động được quy định tại bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019. Vào thời điểm đó, nhiều ý kiến tại Quốc hội cũng đề nghị cần sớm nghiên cứu để tăng tuổi nghỉ hưu của lực lượng quân đội cho đồng bộ.
Bình luận (5)
Hiện tại luật sỹ quan quy định hạn tuổi nghỉ hưu : - thiếu tá=48 tuổi - trung tá 51 tuổi Như vậy cấp thiếu tá chỉ được hưởng 63% lương hưu. Trong khi đó sỹ quan cơ bản là đã qua trường đào tạo đại học chính quy. Khi họ nghỉ hưu sớm như vậy thứ nhất quân đội sẽ lãng phí nguồn ngân sách dùng để đào tạo ra họ. Thứ hai, bản thân sỹ quan bị thiệt thòi vì chưa đủ 75% lương hưu. Cuộc sống của sỹ quan sau khi nghỉ sớm sẽ rất khó khăn, chật vật vì cuộc sống mưu sinh. trong khi đó sỹ quan cấp thiếu, trung tá nhiều đồng chí vẫn có nguyện vọng phục vụ tiếp. Kính mong BQP nghiên cứu, xem xét, bổ sung , sửa đổi luật sỹ quan trong thời gian sớm nhất có thể
Rất mong chờ Bộ Quốc Phòng sớm có điều chỉnh độ tuổi để chúng tôi được phục vụ quân đội lâu dài và đủ tiền hưu 75% để đỡ thiệt vì chúng tôi học Học viện kỹ thuật ra mà 48 tuổi đã phải nghỉ. Hưởng 63% lương hưu.
Thiển ý : có thể đề nghị như luật lao động và các quy định hiện nay, cấp bậc cao và được đào tạo bài bản nghĩ sớm đúng lãng phí không chỉ cho quân đội ...