Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng khi Washington điều tra vụ khí cầu nghi gián điệp

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng khi Washington điều tra vụ khí cầu nghi gián điệp

La Vi
La Vi
Biên tập, dựng: La Vi. Đọc: Quỳnh Phương.
08/02/2023 13:55 GMT+7

Hôm 7.2, thế giới đã có cái nhìn cận cảnh hơn về khinh khí cầu của Trung Quốc vừa bị một chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào cuối tuần qua.

Những hình ảnh do hải quân Mỹ công bố cho thấy các binh sĩ hải quân đang kéo các phần còn lại của khinh khí cầu mà giới chức cho biết là cao khoảng 61 m và mang theo trọng tải khoảng 1 tấn.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khinh khí cầu "thuộc về Trung Quốc" và "không phải của Mỹ". Đồng thời, Bắc Kinh đã cáo buộc Washington phản ứng thái quá và cho biết thứ mà Mỹ bắn hạ là một quả khinh khí cầu thời tiết đã bị thổi bay.

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng khi Washington điều tra vụ khinh khí cầu - Ảnh 1.

Các thủy thủ thuộc đơn vị Xử lý Chất nổ số 2 đang vớt một mảnh của khinh khí cầu

Reuters

Ông Drew Thompson, một nhà phân tích và là thành viên nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết vấn đề còn nghiêm trọng hơn thế.

Ông Thompson nói: "Đây là một sự cố rất nghiêm trọng. Đó là hành vi vi phạm chủ quyền nghiêm trọng nhất của Trung Quốc đối với một quốc gia khác mà tôi biết trong nhiều thập niên. Đây không chỉ là một tính toán sai lầm hay một tai nạn như Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố. Đây là việc triển khai một chiếc máy bay trong không phận có chủ quyền của một quốc gia khác mà không được cho phép. Nếu sự cố tương tự xảy ra ở Trung Quốc, họ sẽ rất tức giận vì điều đó".

Vụ việc đã làm căng thẳng leo thang trong mối quan hệ vốn đã rạn nứt giữa hai nước. Lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer mô tả mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc là căng thẳng và cho biết Tổng thống Joe Biden đang xem xét các bước tiếp theo.

Vụ khinh khí cầu cũng đã khiến nội bộ Mỹ lục đục, khi phản ứng của tổng thống đảng Dân chủ hứng chỉ trích từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa, bao gồm cả lãnh đạo Đa số Hạ viện Steve Scalise.

"Nếu lệnh bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc được đưa ra vào thứ 4 mà mãi đến thứ 7 mới được thực hiện, vậy những người đã không chịu tuân lệnh của tổng tư lệnh đã bị sa thải hay chưa? Những điều này đã xảy ra dưới thời Tổng thống Joe Biden", ông Steve Scalise nói.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết việc bắn hạ khinh khí cầu trên đất liền mang lại rủi ro quá lớn. Ông Schumer, một đảng viên Đảng Dân chủ từ New York, gọi những lời chỉ trích của đảng Cộng hòa là chiêu trò chính trị.

Trong khi đó, Tổng thống Biden đã cố gắng giảm nhẹ bất kỳ tác động lớn nào mà sự cố khinh khí cầu gây ra đối với quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời khẳng định rằng quan hệ song phương không hề bị suy yếu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.