Quan hệ Việt - Trung lên tầm cao mới

30/10/2022 06:14 GMT+7

Không chỉ tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng và hai nhà nước, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc còn được kỳ vọng thúc đẩy quan hệ thương mại song phương lên tầm cao mới.

Theo TTXVN, nhận lời mời của Tổng bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, hôm nay (30.10), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội đi thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30.10 - 1.11.

Tham gia đoàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng - Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng - Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tham gia đoàn còn có Bí thư T.Ư Đảng - Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng - Chánh văn phòng T.Ư Đảng Lê Minh Hưng, Bí thư T.Ư Đảng - Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Bên cạnh đó còn có một số Ủy viên T.Ư Đảng là bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy; Trợ lý Tổng bí thư và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.

Lần gần đây nhất Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc là từ ngày 12 - 15.1.2017, nhân kỷ niệm 67 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và vào thời điểm nhân dân hai nước đang cùng chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1.2017

TTXVN

Nhấn mạnh tình đoàn kết giữa hai Đảng

Trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận xét việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện đầy đủ tính đặc thù và tầm quan trọng của quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước. Năm 2017, sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quốc gia đầu tiên mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến thăm là Việt Nam.

Cùng quan điểm trên, Tân Hoa xã dẫn lời ông Trang Quốc Thổ, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (Đại học Hạ Môn, Trung Quốc), ngày 25.10 nhận định việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước, cũng như giữa hai Đảng.

Cũng theo ông Trang Quốc Thổ, sự thảo luận của lãnh đạo hai Đảng là một đặc điểm quan trọng và độc đáo trong sự phát triển của quan hệ Việt - Trung, vốn đảm bảo sự phát triển bất chấp sự khác biệt của hai bên về vấn đề Biển Đông.

Tương tự, tờ South China Morning Post dẫn lời nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Kalvin Fung Ka-shing, thuộc Đại học Waseda ở Tokyo (Nhật Bản), chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc phản ánh “tình đoàn kết và mối quan hệ tư tưởng” của hai bên, điều này đã vượt qua những tồn tại giữa hai bên.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức Trung Quốc

Triển vọng thương mại

Bên cạnh đó, ông Trang Quốc Thổ còn nhận định Trung Quốc tiếp tục thực hiện cải cách, mở cửa và đã đạt được những thành tựu, vượt qua khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nên có thể cung cấp kinh nghiệm cho Việt Nam, và chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo điều kiện cho hai nước trao đổi những kinh nghiệm đó và học hỏi lẫn nhau.

Về hợp tác thương mại, ông Trang Quốc Thổ dự báo chuyến thăm sắp tới sẽ thúc đẩy sự gắn kết và ảnh hưởng của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khi Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của thỏa thuận thương mại tự do này. Chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, RCEP có sự tham gia của 15 nước và được xem là khuôn khổ quan trọng để số lượng trái cây của Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc ổn định hơn.

Không dừng lại ở đó, thực tế những năm qua, giao thương Việt - Trung vẫn phát triển mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hứng chịu nhiều thách thức. Đến nay, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.

Theo Cổng thông tin của Bộ Công thương, Trung Quốc đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với quy mô đạt 55,9 tỉ USD, tăng 37 lần so với năm 2002. Thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung đạt 165,8 tỉ USD, tăng 24,6% so cùng kỳ năm 2020. Từ tháng 1 - 9 vừa qua, kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung đạt 132,38 tỉ USD, tăng 10,21% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,22 tỉ USD, tăng 6,22% so với cùng kỳ năm 2021. Và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 91,15 tỉ USD, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm 2021.

Làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược giữa hai Đảng

Ông Hứa Lợi Bình nhận định chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tình hữu nghị truyền thống của quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước.

Theo ông, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là quốc gia xã hội chủ nghĩa, đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, kiên trì đường lối độc lập tự chủ, cùng ủng hộ lẫn nhau trong việc tìm kiếm con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước.

Ông Hứa Lợi Bình nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia có ảnh hưởng quan trọng trong ASEAN, cũng là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Chuyến thăm lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nhà nước, làm phong phú nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, mà còn có lợi cho việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc với ASEAN.

Hiện nay, hai Đảng đã xây dựng cơ chế giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu lý luận, đào tạo cán bộ, hợp tác giữa cấp ủy các địa phương, tích cực trao đổi kinh nghiệm quản trị đất nước, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, tăng cường định hướng dư luận. Đánh giá về hợp tác kênh Đảng, ông Hứa Lợi Bình nhấn mạnh giao lưu kênh Đảng có vai trò định hướng quan hệ Việt - Trung. Ông bày tỏ hy vọng quan hệ hai Đảng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác từ góc độ chính trị và chiến lược.

Theo TTXVN

Ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, ngày 25.10, Bộ Công thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung theo hình thức trực tuyến. Kỳ họp được đồng chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn phía Việt Nam, và Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Lý Phi, Trưởng đoàn phía Trung Quốc.

Tại kỳ họp, hai bên nhất trí đánh giá dù đại dịch Covid-19 và nhiều biến động địa - chính trị trên thế giới đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.

Phía Trung Quốc cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phòng vệ thương mại, thương mại điện tử; trao đổi ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Trung - Việt; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đa phương; thúc đẩy giải quyết một số vướng mắc trong hợp tác thương mại, công nghiệp song phương…

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra một số đề xuất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn và khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thủy sản Việt Nam…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.