Quan liêm nước Việt: Hành khiển Nguyễn Trãi mắng quan tham

16/01/2023 07:46 GMT+7

Sự liêm khiết khi được nuôi dưỡng thì tiền tài, vàng bạc không mua chuộc được, mà quyền thế cũng không lay chuyển được. Trần Thì Kiến và Nguyễn Trãi xứng là những người cứng cỏi đó.

Vị An phủ sứ “làm quan rất liêm khiết”

Thời nhà Trần, có quan Trần Thì Kiến người Đông Triều, thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Đại Việt sử ký tục biên cho biết ông “tính người cương trực. Trước kia ông là môn khách của Hưng Đạo Vương, do Hưng Đạo Vương tiến cử”. Trần Thì Kiến có thời gian làm An phủ sứ Thiên Trường (Nam Định ngày nay). Lúc ông làm quan trấn nhậm ở đây, sách Phong tục sử có ghi lại việc ông đã hành động cương quyết với kẻ có ý dùng của nhờ cậy mình. Việc này, theo Việt sử tiêu án thì “có người dân quê đem biếu ông mâm cỗ, hỏi lý do, thì người ấy trả lời vì ở gần công đường của ông, chứ không thỉnh cầu điều gì, được vài hôm, quả nhiên người ấy nhờ ông có việc, ông móc họng thổ ra”.

Ghi nhận sự liêm khiết đó, tháng 4 năm Đinh Dậu (1297) vua bổ ông làm Kiểm pháp quan và Đại An phủ Kinh sư, lại thăng làm Nhập nội hành khiển gián nghị đại phu. Sau này, sử gia Ngô Sĩ Liên thời Lê Sơ nhận xét trong Toàn thư việc làm trên của ông: “Thì Kiến làm ra đức hạnh khác người để uốn nắn cái tệ cầu xin của người thời bấy giờ”. Ông còn được người đời khen là vị quan giỏi xét án kiện tụng qua câu tặng được Ngự chế Việt sử tổng vịnh ghi là “Khả dĩ chiết ngục” với nghĩa chỉ cần nửa lời nói cũng có thể giải quyết ổn thỏa một vụ kiện.

Bản dập Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh, quyển 4 khắc bài thơ vịnh của vua Tự Đức về Trần Thì Kiến

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Vua Trần ghi nhận tài năng, ban khen cho ông cái hốt khắc bài minh khen sự cương trực của ông cao như núi Thái Sơn, vững như hốt ngà làm từ sừng trãi. Theo truyền thuyết thì trãi là loài thú không chân, chỉ có một sừng, gặp người gian tà thì húc. Bởi vậy người đời dùng trãi biểu tượng cho quan Ngự sử giữ việc đàn hặc hoặc khuyên can vua. Nguyên văn bài ấy trong Đại Nam dư địa chí ước biên chép là “Thái Sơn trinh cao/Tượng hốt trinh liệt/Linh thê trãi dốc/Vi hốt nan triết”. Dù ghi chép tiểu sử của ông rất ngắn gọn, nhưng Lịch triều hiến chương loại chí không quên nhấn mạnh đức liêm: “Làm quan rất liêm khiết”.

Sự liêm khiết, cương trực của ông cùng việc móc họng trả cỗ, Ngự chế Việt sử tổng vịnh của vua Tự Đức “gói” trong thơ vịnh: “Khách nhà Hưng Đạo, nước tài danh/Sủng ái vua bán Hốt lại Minh/Trót lỡ mâm cơm ăn lại mửa/“Tham Tuyền” dẫu tới, dễ qua nhanh”.

Thẳng mặt mắng quan tham

Bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư đề cập đến việc đầu thời Lê Sơ vào năm Giáp Dần (1434), liên quan tới Hành khiển Nguyễn Trãi. Sau khi Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông nối ngôi, Nguyễn Trãi được giao soạn tờ biểu cầu phong cho vua Lê Thái Tông để sứ Đại Việt sang nhà Minh. Việc chẳng có gì đáng nói khi kể từ khởi nghĩa Lam Sơn đến lúc đất nước giành độc lập, những văn thư, chiếu dụ quan trọng đa phần do Nguyễn Trãi đích thân soạn thay vua. Bản thân Nguyễn Trãi là công thần đệ nhất (chữ trong Việt Nam nhân thần giám), tài đức song hành được đương thời biết tiếng.

Chân dung quan Hành khiển Nguyễn Trãi

TL

Nhưng lần này, tờ biểu soạn xong, hai viên quan là Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ Lê Cảnh Xước muốn sửa đổi vài chữ. Vốn hai người này không phải là những kẻ thi phú, văn thơ hơn người, tài năng, phẩm hạnh đều là hạng kém cỏi, đường tiến thân bất chính. Tức giận những bất tài can dự vào đại cuộc, vị đại quan họ Nguyễn xổ hết gan ruột mắng thẳng: “Bọn các ngươi là hạng bề tôi vơ vét, nạn hạn hán này là do các ngươi gây nên cả”.

Bị Nguyễn Trãi mắng té tát, Nguyễn Thúc Huệ đem chuyện mách Đại tư đồ Lê Sát và Đô đốc Lê Vấn. Lê Vấn mới trách Nguyễn Trãi sao nặng lời. Nguyễn Trãi xin lỗi, nhưng vẫn cứng cỏi nói: “Thúc Huệ là hạng tài mọn, chỉ chăm đục khoét vơ vét, thế mà hắn giữ chức then chốt trong nước, hễ có tâu bày điều gì, hắn chỉ muốn làm thiệt dân, đem lợi về nhà quan để dua nịnh bề trên; cho nên tôi mới nhân việc này mà nói ra đó thôi, chứ không phải có ý trách cứ nhà vua và tể tướng gì đâu”. Bài biểu sau giữ nguyên, theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục.

Tiếng xấu của Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước không chỉ đương thời chê trách, mà sau này còn bị ghi lại trong tác phẩm khuyết danh Thiên Nam minh giám (Gương sáng trời nam) thời Lê Trung hưng với những dòng đanh thép chỉ trích. Nguyễn Thúc Huệ bị chê là kẻ làm khổ dân: “Nước nào rửa sạch nhơ ngươi Huệ/Nghĩ trong đời nhiều tệ ắt ghê/Xấu danh nhục nước hổ thì/Dân đà chung khổ còn gì hòa đau”; trong khi đó Lê Cảnh Xước thì bị tiếng của kẻ luồn cúi: “Kìa Cảnh Xước những bề luồn lọt/Quen một chiều học Bụt nói dông/Nào còn tiết nghĩa sĩ phong/Nói lời nhân nghĩa làm lòng gian manh”.

Tì vết của những viên quan trên sau còn tiếp diễn. Vẫn Toàn thư thông tin năm Đinh Tỵ (1437), Lê Cảnh Xước khi ấy là Nội mật viện sứ đã ăn của đút 20 lạng bạc, theo luật bị xử tử, nhưng vua lượng tình bãi chức làm dân. Còn Nguyễn Thúc Huệ tham gia hội khám biên giới lấy tiền nhà nước không trả lại. Thế nên, lời mắng của Hành khiển Nguyễn Trãi năm Giáp Dần (1434) không phải là vô lý.

(còn tiếp)

Quan liêm nước Việt

Vàng quý không bằng tấm lòng trung

'Người đời đều đục cả thì một mình ta cứ trong'

Làm quan to mà cảnh nhà bần hàn

Gương liêm dân yêu, vua quý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.