(TNO) Sáng nay 17.10, PV Thanh Niên Online tỏa đi các nông trường cao su ở Quảng Nam và chứng kiến cảnh bất lực bên những gốc cao su gãy đổ sau bão số 11. "Vàng trắng" đang bị chặt làm củi ở nhiều nơi…
|
Hàng ngàn ha cao su bị quật ngã ở địa bàn các huyện Hiệp Đức, Núi Thành, Nông Sơn, Bắc Trà My… vẫn đang được “cứu chữa” khá chậm chạp do sức người có hạn.
Tiếp cận 2 trong số 8 nông trường ở các huyện Hiệp Đức, Núi Thành (thuộc địa bàn quản lý của Công ty cao su Quảng Nam), chúng tôi ghi nhận tình trạng hư hại nghiêm trọng.
Tại 17 khu của Nông trường cao su Đức Phú (H.Núi Thành) đã có 198 ha cao su hư hại nặng. Nông trường phải thuê người đẵn cây cao su bị gãy để làm củi.
Doanh nghiệp cao su thiệt hại, người dân địa phương cũng khốn đốn theo. Giám đốc Nông trường cao su Đức Phú Dương Phú Tân cho biết bình quân mỗi tháng nông trường chi trả khoảng 1,2 tỉ đồng lương cho công nhân ở địa phương.
“Bây giờ thì giảm sản lượng do cây gãy, mất hết 1/3 mức thu nhập. Nghe tin bão, mọi người đã phập phồng. Bão tới, họ khóc theo”, ông Tân nói.
Hơn 30.450 cây cao su đang khai thác mủ bị ngã đổ, trong đó có đến 80% biến thành củi do trốc gốc, gãy ngang vì không thể phục hồi. Hơn 31.100 cây cao su chưa khai thác cũng bị bão tàn phá và 1/3 cũng bị chặt bỏ.
Ở H.Hiệp Đức, 200 ha cây cao su ngã đổ, trong đó Nông trường cao su Trà Nô (cũng thuộc Công ty cao su Quảng Nam) chiếm lượng lớn. Chứng kiến nước mắt người dân trồng cao su tiểu điền ở đây đã chảy theo “vàng trắng” mới đau xót.
“Bão làm gãy hoàn toàn 2 ha cao su thì lấy gì để sống tiếp đây”, ông Lê Cựu (84 tuổi, trú tại thôn 3, xã Quế Lưu) nghẹn giọng.
Hôm nay, con trai ông là Lê Tấn Ba đã cố gượng dậy để lên rừng cao su gần nhà kiểm đếm, dựng lại những cây bị xiêu vẹo sau 2 ngày không ăn không ngủ. Nhưng càng đếm càng xót, vì 1.000 cây bây giờ chỉ còn chưa đầy 40 cây.
Ông Trần Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Quế Lưu cho biết bão số 11 đã khiến hơn 120 ha cao su của 73 hộ dân bị gãy đổ.
“Mấy ngày nay, hộ anh Bùi Ngọc Nam tại thôn 3 không nuốt nổi một hạt cơm, cũng không muốn tiếp chuyện với ai vì gia đình đang lâm cảnh khốn đốn khi mất trắng 7 ha cao su đang cho mủ. Đi khắp các thôn, tôi đều gặp cảnh người dân khóc than vì cơ ngơi mất trắng”, ông Minh nói.
|
|
|
|
|
|
|
H.X.Huỳnh - Hoàng Sơn
>> Hơn 35 giờ đồng hồ tình nguyện ứng phó với bão số 11
>> Sau bão số 11, Quảng Nam 'khát' tôn lợp nhà
>> Trợ giúp gia đình có người bị nạn trong bão số 11
>> Bão số 11 gây thiệt hại hơn 1.502 tỉ đồng
>> Bão số 11: Nước tại 'rốn lũ' Đại Lộc đã trên báo động 3
>> Bão số 11 làm 3 người chết, 6 người mất tích, 49 người bị thương
Bình luận (0)