Làm sao để đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn bán trú cũng như giúp các con học được nhiều điều bổ ích?
Trường học mở
Có mặt tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM) một ngày giữa tháng 10, chúng tôi ghi nhận công tác chuẩn bị bữa trưa bán trú cho học sinh các khối lớp. Từ sáng sớm là công tác tiếp nhận thực phẩm từ đơn vị cung cấp, sau đó các nhân viên nhà bếp cùng tham gia sơ chế, chế biến, rồi đưa đồ ăn tới các nhà ăn.
Học sinh ăn bữa trưa bán trú tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM |
Thúy Hằng |
Trường có 4 khu nhà ăn khá rộng, 10 giờ 30 phút là giờ ăn của các khối lớp 1, 2, 3 còn khối 4, 5 sẽ ăn vào lúc 10 giờ 45. Để rèn luyện tinh thần tự phục vụ cho học sinh, học sinh từng lớp sẽ xếp hàng, cầm khay để lần lượt được cô bảo mẫu cùng nhân viên nhà bếp chia đồ ăn vào từng khay. Trong giờ ăn, các thầy, cô giáo chủ nhiệm cũng có mặt cùng nhắc học trò ăn hết khẩu phần và nhất là phải ăn đủ rau, canh.
Ban giám hiệu nhà trường cho biết nhà trường có phần mềm tính khẩu phần dinh dưỡng cho học sinh, tính toán thực đơn hợp lý trong tuần, thực đơn này cũng chiếu công khai trên màn hình ti vi ở trường để phụ huynh, học sinh xem. Nhà trường chọn các nguồn thực phẩm từ các đơn vị nằm trong chuỗi an toàn thực phẩm và thực hiện đúng yêu cầu của ban an toàn thực phẩm thành phố quy định.
“Là trường học mở, luôn sẵn sàng đón tiếp phụ huynh vào trường, chúng tôi sẵn lòng nếu phụ huynh muốn đến trường vào giờ trưa để tham quan giờ ăn của con. Trong học kỳ 1 hằng năm, nhà trường đều tổ chức hoạt động "Ngày hội em vui học cùng phụ huynh học sinh" để mời các quý vị phụ huynh cùng đến trường tham gia học tập, sinh hoạt, vui chơi và tham quan bữa ăn của các em...”, đại diện ban giám hiệu cho hay.
Bữa trưa bán trú theo mô hình buffet tại Trường mầm non Ngôi làng vui vẻ, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) |
Thúy Hằng |
Nhà trường, phụ huynh đột xuất kiểm tra bếp ăn công nghiệp
Đến Trường tiểu học Thái Hưng (cơ sở tại đường Ba Đình, P.9, Q.8, TP.HCM, trụ sở chính trên đường Tạ Quang Bửu đang sửa chữa) vào giờ trưa, chúng tôi ghi nhận các nhân viên công ty giao suất ăn đang chuẩn bị chia các phần cơm tới từng lớp. Diện tích trường nhỏ, hẹp, không tổ chức được bếp ăn nên các năm qua nhà trường đặt cơm qua công ty cung cấp suất ăn công nghiệp.
Học sinh từng lớp xếp hàng, nhận các khay cơm của mình, trong mỗi khay cơm có các món canh bí đỏ, thịt kho, cá kho, rau muống xào, ăn xong các con có đồ tráng miệng.
Ông Nguyễn Hoàng Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thái Hưng, cho biết tiền ăn bán trú mỗi ngày của học sinh là 30.000 đồng bao gồm cả bữa trưa, bữa xế và nước uống. “Nhiệm vụ của nhà trường là phải tính toán, cân nhắc, lựa chọn công ty suất ăn nào cung cấp phần ăn cho các em đảm bảo ăn no, đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và phải phù hợp với giá tiền nữa”, thầy Phong chia sẻ.
“Ngoài các quy định về giấy tờ thì bếp ăn phải đảm bảo “bếp ăn một chiều” (nguyên vật liệu được đưa vào nhà bếp theo một lối đi riêng và món ăn được đưa lên phòng ăn qua lối khác)… Chúng tôi phải đến tận nơi kiểm tra. Họ giới thiệu thực đơn nhưng mình cũng phải góp ý, làm sao để thực đơn 3 - 4 tuần sau mới được lặp lại”, ông Phong chia sẻ thêm.
Ông Phong cũng cho hay phụ huynh có thể tới liên hệ nhà trường, để được đưa xuống xem phần ăn của các con.
“Bữa ăn của trẻ ở trường quan trọng lắm. Để kiểm soát tốt bữa ăn cho các em, nhà trường và đại diện phụ huynh có những buổi đột xuất tới kiểm tra một khâu nào đó của công ty sản xuất suất ăn công nghiệp. Chúng tôi đã nhiều lần bất ngờ đến, xin được kiểm tra khâu tiếp nhận thực phẩm, hoặc khâu sơ chế, chế biến, hoặc khâu đóng gói chẳng hạn, như vậy mới yên tâm”, thầy hiệu trưởng Trường tiểu học Thái Hưng cho hay.
Ở Trường mầm non Ngôi làng vui vẻ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), việc tính toán khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ được nhân viên y tế và cấp dưỡng của nhà trường thực hiện trên phần mềm chuyên biệt. Thực đơn các bữa sáng, trưa, xế được nhà trường công khai, gửi tới phụ huynh trước một tuần và dán ở bảng thông báo trường. Phòng ăn của học sinh được lắp camera để phụ huynh thuận tiện quan sát bữa ăn của con, học sinh có ăn hết suất và vui vẻ khi ăn.
Bình luận (0)