Quản lý đến mức nào ?

25/11/2017 06:19 GMT+7

Nhiều lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị các nhà quản lý can thiệp quá sâu. Việc can thiệp thường được gắn những lý do tưởng chừng như rất hợp lý.

Tuy nhiên, khi đưa ra những lý do như trên, các cá nhân, tổ chức đó dường như đã không tính việc giữ đa dạng văn hóa là điều mà các công ước về văn hóa của UNESCO luôn đề cao.
Trên thực tế, can thiệp lớn nhất tới các lễ hội truyền thống lại bắt nguồn từ chính những nhà quản lý trong nước. Ở Tây nguyên, cồng chiêng vốn được đánh như một nghi thức giao tiếp với thần linh, được mang ra đánh phục vụ du lịch. Mới đây nhất, trong dự thảo nghị định về quản lý lễ hội do Bộ VH-TT-DL soạn thảo, các nhà quản lý thậm chí còn có ý định đánh giá và thay thế các “tập tục kích động bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của nhân dân VN”. Tại sao cơ quan quản lý lại được trao quyền phán xét về tập tục? Có thể thấy nhà quản lý trong tư thế bề trên, phán xét thực hành văn hóa của cộng đồng.
Theo các công ước mà VN đã tham gia, di sản phi vật thể có nguyên tắc quản lý của nó. Theo đó, quyền của chủ thể văn hóa được đặt ở vị trí cao. Can thiệp của nhà nước vào văn hóa, vào quyền của chủ thể văn hóa cũng chỉ có mức độ. Việc quản lý cũng được khuyến khích nghiêng về khích lệ, phát huy các giá trị tốt, tuyên truyền để cộng đồng hiểu giá trị cốt lõi của di sản nhằm thực hành đúng, hạn chế câu chuyện cấm. Chính vì thế, một tư duy can thiệp sâu, tới mức đòi khống chế lễ hội cần phải thay đổi. Nếu không thay đổi điều này, nó nhiều khả năng sẽ là bắt đầu của các quyết định quản lý sai lầm về sau.
Thực tế ở VN cho thấy, các cộng đồng cũng luôn tích cực nếu được khơi gợi các giá trị văn hóa. Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu của TS Lê Thị Minh Lý đã thuyết phục được người dân Ném Thượng (Bắc Ninh) không giết heo hiến sinh ở nơi đông người có thể đến xem nữa. Cuộc thi đốt pháo xưa ở làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) giờ đã không còn. Bù lại, cộng đồng vẫn nhớ tới nghề xưa của làng bằng cách rước một quả pháo chạm tứ linh trong ngày hội của làng mình. Rõ ràng, điều cần làm không phải cấm đoán mà làm sao lọc được những giá trị cốt lõi của lễ hội. Từ đó, con cháu có thể giữ được kho báu di sản này cho mai sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.