Quản lý đoàn viên bằng sổ sách có thực chất không?

Vũ Thơ
Vũ Thơ
10/03/2022 14:03 GMT+7

Đó là vấn đề Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đặt ra khi lấy ý kiến cán bộ Đoàn khu vực phía bắc về dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XI và đề xuất nội dung sửa đổi.

Sáng 10.3, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ Đoàn khu vực phía bắc về dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XI, và đề xuất nội dung sửa đổi Điều lệ Đoàn.

Chương trình được tổ chức trực tuyến kết nối với các tỉnh thành đoàn, với sự tham dự của anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Các đại biểu tham gia hội nghị bằng hình thức trực tuyến

bảo anh

40 tuổi vẫn chưa được trưởng thành Đoàn

Báo cáo về thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XI, T.Ư Đoàn cho biết công tác quản lý đoàn viên được các cấp bộ đoàn chú trọng triển khai, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả theo quy định của Điều lệ Đoàn và hướng dẫn của Ban Bí thư T.Ư Đoàn.

Điểm mới trong công tác quản lý đoàn viên là một số tỉnh, thành đoàn đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý đoàn viên, hệ thống quản lý trực tuyến; quản lý hồ sơ, đoàn viên đi lao động ở xa, theo dõi việc cấp phát thẻ đoàn viên khi kết nạp và chỉ đạo tổ chức lễ trưởng thành đoàn cho đoàn viên khi hết tuổi Đoàn; thực hiện các thủ tục tiếp nhận và chuyển sinh hoạt đoàn; rà soát, nắm bắt tình hình đoàn viên định kỳ 6 tháng/lần.

Vừa qua, T.Ư Đoàn đã triển khai đồng bộ phần mềm quản lý đoàn viên trên cả nước, tạo tiền đề để công tác quản lý đoàn viên ngày càng đi vào thực chất, nhanh chóng, nề nếp hơn.

Tuy nhiên, công tác này còn một số hạn chế như: công tác quản lý đoàn viên chưa duy trì thường xuyên, chưa có sự thống nhất, số lượng đoàn viên không có thẻ đoàn, bị mất hoặc không có sổ đoàn còn chiếm tỷ lệ lớn. Việc quản lý hồ sơ đoàn viên một số cơ sở Đoàn chưa quan tâm, thực hiện đúng các quy định trong quản lý hồ sơ đoàn viên, đặc biệt là đối với khu vực địa bàn dân cư.

Tình trạng đoàn viên làm mất thẻ đoàn, khi có trường hợp cần thiết thì đoàn viên đề xuất cơ sở Đoàn làm lại thẻ, do đó chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm của đoàn viên trong việc sử dụng, quản lý thẻ.

Công tác đánh giá, xếp loại đoàn viên hàng năm chưa được thực hiện nghiêm túc, còn mang tính chủ quan của bí thư chi đoàn. Công tác phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng còn chưa đạt được mục tiêu đề ra theo từng năm, chưa đồng đều trong các khối đối tượng.

Các đại biểu phát biểu ý kiến ở điểm cầu

bảo anh

Theo T.Ư Đoàn, đoàn viên sinh hoạt tại các Chi đoàn trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, công an, quân đội ngày càng ít (do đủ tuổi trưởng thành Đoàn, do tinh giản biên chế, biên chế ổn định, do tuyển dụng cán bộ, công chức rất ít) nên đoàn viên trên 30 tuổi thường sinh hoạt Đoàn đến 35 tuổi, thậm chí trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp sinh hoạt đến 40 tuổi vẫn chưa trưởng thành đoàn.

Vấn đề này sẽ còn tiếp tục đặt ra trong những năm tiếp theo khi tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, chất lượng sinh hoạt chi đoàn thường kỳ ở khu dân cư còn hạn chế, hình thức, nội dung chưa đổi mới, phong phú. Việc sinh hoạt chi đoàn định kỳ mỗi tháng 1 lần bằng hình thức trực tiếp còn gặp khó khăn, nhất là các chi đoàn có hoạt động phân tán trên phạm vi rộng và Chi đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Có thể tổ chức đại hội trực tuyến

Tại hội nghị, T.Ư Đoàn đã đưa ra một số nội dung sửa đổi trong đó, đề xuất bổ sung “trong trường hợp đặc biệt có thể tổ chức đại hội bằng hình thức trực tuyến”. Ban Chấp hành chi đoàn, chi đoàn cơ sở và Đoàn cơ sở mỗi tháng họp ít nhất 1 kỳ, trong trường hợp đặc có thể tổ chức sinh hoạt chi đoàn định kỳ bằng hình thức trực tuyến.

Anh Nguyễn Ngọc Lương chủ trị hội nghị

bảo anh

Phát biểu tại hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết, trước mỗi kỳ Đại hội cần phải đặt ra yêu cầu về sửa đổi Điều lệ Đoàn để đánh giá những phát sinh cần chỉnh sửa và cập nhật quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; đồng thời giải quyết tồn tại hạn chế vướng mắc đã được thực hiện thí điểm thời gian qua. Bên cạnh đó sẽ giải quyết phát sinh mới từ thực tiễn như: bối cảnh cách mạng 4.0, hội nhập quốc tế…

Vì vậy, anh Lương đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những vấn đề cần chỉnh sửa tại Điều lệ Đoàn, trong đó anh Lương nêu băn khoăn: “Việc sinh hoạt đoàn đang quy định 1 tháng/ lần bằng hình thức trực tiếp, vừa qua do dịch bệnh đã thí điểm làm trực tuyến. Không chỉ do dịch bệnh mà nhiều đoàn viên đi làm ăn xa, thậm chí ở nước ngời thì việc chỉ tổ chức trực tiếp có phù hợp nữa không? Việc đóng đoàn phí như thế nào? Quản lý đoàn viên bằng sổ sách có thực chất không? Đối với việc sinh hoạt Đoàn của đoàn viên mới ra trường chuyển về nơi cư trú và đi làm ăn xa thì như thế nào?”…

Anh Lương cũng đề nghị các đại biểu cần nêu hết những khó khăn, tình huống phát sinh để việc sửa đổi lần này cần thực sự khoa học, toàn diện bám sát vấn đề thực tiễn.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu nhất trí với những đề xuất sửa đổi của T.Ư Đoàn, trong đó hầu hết đồng ý với việc bổ sung quy định tổ chức sinh hoạt chi đoàn bằng hình thức trực tuyến.

Đại biểu tỉnh Hà Nam nêu ý kiến tại hội nghị

bảo anh

Về độ tuổi sinh hoạt Đoàn, có ý kiến cho rằng việc để đoàn viên đến 40 tuổi chưa trưởng thành là vi phạm điều lệ, cần kiểm điểm chứ không nêu ra việc sửa điều lệ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị nên kéo dài độ tuổi sinh hoạt Đoàn đến 35 tuổi để phát huy những kinh nghiệm của “đoàn viên thâm niên”. Đặc biệt, hiện việc độ tuổi trung bình của đoàn viên đang già hóa, ở mức 30 tuổi, nên điều lệ cần nới rộng việc đoàn viên đến 35 tuổi mới làm lễ trưởng thành Đoàn.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc quản lý đoàn viên bằng sổ không còn phù hợp nữa, cần bỏ sổ đoàn viên để quản lý bằng phần mềm và chỉ giữ lại thẻ đoàn viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.