Thế nhưng việc này gần như bất khả thi. Thậm chí, đặt chúng ta vào tình thế rất khôi hài.
Thứ nhất, dù bị khẳng định nhiều lần là trái pháp luật nhưng Uber VN vẫn công khai hoạt động suốt gần 3 năm qua và phát triển như vũ bão với gần 15.000 tài xế (ước tính tới cuối năm 2016). Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, các cá nhân ký kết hợp đồng với Uber mà không có đăng ký kinh doanh vận tải, không có hợp đồng sẽ bị xem là chạy chui và bị xử lý.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao Uber VN hoạt động chui thì không bị chế tài còn tài xế lại bị xử phạt? Hơn nữa, với 15.000 tài xế đang hoạt động, lực lượng chức năng nào làm cho xuể? Trong khi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh với vài thao tác đơn giản là bất kỳ người nào cũng gọi được một chiếc taxi Uber tới phục vụ.
Thứ hai, nếu hoạt động của Uber VN là trái luật, là hoạt động chui, việc chúng ta thu thuế Uber VN trong đó có một phần thuế từ các đối tác của Uber là tài xế có hợp lý hay không? Trong khi thu thuế như vậy cũng có nghĩa chúng ta thừa nhận hoạt động của họ là hợp pháp.
Thứ ba, đặt trường hợp Uber dừng hoạt động, hàng chục ngàn tài xế taxi sẽ ra sao? Chúng ta đều biết, mấy năm qua, rất nhiều người gom góp vốn liếng, vay người thân, vay ngân hàng mua ô tô chạy Uber. Nếu phải ngưng, họ lấy gì để trả nợ?
Tất nhiên, người nào chạy theo phong trào Uber thì người đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nhưng không thể chối bỏ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Bởi người dân rất khó để biết công ty nào chui, công ty nào hợp pháp. Nhất là trong trường hợp này, họ chỉ biết có một công ty mang tên Uber hoạt động công khai tại VN, có thêm thu nhập thì họ tham gia thôi. Còn ngay từ ban đầu, nếu Uber không đăng ký kinh doanh vận tải, hoạt động chui, chúng ta phải có biện pháp chế tài, có tuyên truyền cho người dân hiểu tham gia là vi phạm... chứ không thể để một hoạt động trái pháp luật công khai, lôi kéo hàng chục ngàn người với một số vốn rất lớn trong xã hội đổ vào rồi mới lên tiếng.
Mặt khác, sự có mặt của Uber, Grab... đã thực sự làm một cuộc “cách mạng” cho thị trường taxi truyền thống và nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Cái mới, tạo sự cạnh tranh và có lợi cho người tiêu dùng, đó là điều chúng ta nên ủng hộ. Nhưng sự việc của Uber cho thấy quản lý vẫn không theo kịp với sự phát triển. Tuy vậy, thực tế đến lúc này, giải pháp cho Uber cũng không quá khó khăn, đã được nhiều nước thực hiện và các chuyên gia cũng đã đưa ra. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng thực hiện để đưa Uber vào hoạt động theo đúng khuôn khổ của pháp luật, tạo sự công bằng, bình đẳng cho thị trường taxi cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bình luận (0)