Sự bùng nổ của NFT (viết tắt cụm từ non-fungible tokens, tạm dịch: Sự bùng nổ của NFT (viết tắt cụm từ non-fungible tokens, tạm dịch: mã thông báo không thể thay thế; hiểu đơn giản là tài sản kỹ thuật số đại diện cho các đối tượng trong thế giới thực như tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, vật phẩm trong game và video...) có lẽ còn chưa dừng lại khi nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng lớn trên thế giới đều đã đánh tiếng sẽ nhập cuộc. Rồi nhiều tập đoàn lớn cũng đã tiến hành kế hoạch tung ra các sản phẩm dưới dạng NFT.
Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số nói chung và kỹ thuật mã hóa dạng chuỗi khối (blockchain) nói riêng đã liên tục tạo ra những thứ mới như tiền ảo (tiền mã hóa - cryptocurrency), rồi mới hơn chính là tài sản ảo NFT.
Được gọi là ảo nhưng những loại hình trên đều đang ảnh hưởng rất thật đến đời sống nhân loại, kinh tế toàn cầu để rồi đặt ra những thách thức mới cho quản lý nhà nước. Thử nghĩ, chúng ta từng tốn không ít thời gian để tìm cách quản lý việc mua bán qua mạng, nhưng điều này vẫn dễ dàng hơn bởi sản phẩm mua bán vẫn là sản phẩm vật chất rõ ràng và tiền tệ thanh toán vẫn là tiền tệ truyền thống. Còn nay, giao dịch NFT là một tài sản ảo và thanh toán bằng tiền cũng... ảo thì thách thức sẽ tăng lên rất nhiều.
Vì thế, chính quyền nhiều quốc gia đang phải lên kế hoạch hoàn thiện các biện pháp kiểm soát các loại hình trên ngay cả khi chưa chính thức thừa nhận các loại hình này. Ở VN, vào cuối tháng 3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo các bộ Tài chính, Tư pháp, TT-TT và Ngân hàng Nhà nước đối với việc xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo. Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm từ những sự chậm trễ trước đây trong việc quản lý các loại hình được hình thành từ nền tảng công nghệ, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các thể chế, pháp lý liên quan, đồng thời liên tục cập nhật, “vá lỗi”.
Chưa dừng lại ở đó, sự hình thành của tiền ảo hay tài sản ảo NFT có lẽ chỉ mới là bước đầu của một bước ngoặt khác trong đời sống nhân loại đang dần hiển hiện. Đó là Metaverse - tạm hiểu là một vũ trụ ảo, một vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), internet và tiền ảo, tài sản ảo. Người tham gia sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác trong Metaverse. Mường tượng đơn giản thì nếu lâu nay bạn dùng mạng xã hội Facebook chỉ chia sẻ các trạng thái, hình ảnh, hoạt động và tương tác với người dùng khác bằng việc like, comment… thì Metaverse sẽ là sinh hoạt đời thực được đưa lên vũ trụ ảo từ việc chọn trang phục, mua sắm… đến sinh hoạt cộng đồng.
Điều này không còn xa xôi vì nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu đang tập trung cho Metaverse, rồi các tập đoàn hàng hóa tiêu dùng cũng đang lên kế hoạch tung ra sản phẩm phục vụ Metaverse. Điển hình Coca Cola dự kiến sớm tung ra các NFT là các trang phục được dùng trong Metaverse. Gần 3 năm trước, khi tham quan cơ sở nghiên cứu phát triển của một tập đoàn công nghệ lớn tại Mỹ, người viết đã chứng kiến các sản phẩm hoàn thiện để phục vụ cho Metaverse.
Chính vì thế, thách thức cho quản lý nhà nước không chỉ là quản lý tiền ảo hay tài sản ảo NFT, mà xa hơn phải thực sự chuyển đổi sang giai đoạn mới, bao gồm từ thực đến ảo. Đó là thay đổi bước ngoặt tiếp theo và không thể ngăn cản song hành sự bùng nổ của công nghệ.
Bình luận (0)