Quản lý thị trường kiểm tra 10 vụ xử phạt 8-9 vụ

05/01/2023 16:43 GMT+7

Công tác kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường đã giảm được tình trạng đoàn kiểm tra cứ "vào rồi lại ra". Kiểm tra 10 vụ thì xử phạt đến 8 - 9 vụ.

Đó là một trong những điểm nhấn nổi bật trong công tác của lực lượng quản lý thị trường được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), chia sẻ ngày 5.1 tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của đơn vị này.

Truy quét hàng giả, hàng nhái ở Sài Gòn Square là vụ việc điển hình mà Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo trong năm 2022

Thanh NIên

Theo ông Trần Hữu Linh, năm 2022 lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện thanh, kiểm tra 70.902 vụ, trong đó phát hiện và xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Qua hoạt động kiểm tra và xử phạt, lực lượng quản lý thị trường đã thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỉ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021); tịch thu hàng hóa trị giá 96 tỉ đồng.

Ông Linh nhấn mạnh, ngoài các cuộc thanh, kiểm tra định kỳ, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường triển khai các cuộc thanh, kiểm tra đột xuất và có tỷ lệ phát hiện vi phạm, xử phạt rất cao. “Cả năm qua có khoảng 35.000 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tỷ lệ xử phạt rất cao, giảm được tình trạng đoàn cứ đi vào kiểm tra rồi lại đi ra như những năm trước. Cứ vào 10 vụ thì xử phạt đến 8 - 9 vụ”, ông Linh nói.

Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, qua kiểm tra tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bình Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị, Phú Yên... tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Đặc biệt, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái bán trên các nền tảng thương mại điện tử, môi trường internet ngày càng gia tăng.

Ông Trần Hữu Linh thông tin tại lễ tổng kết

CTV

Hàng giả vẫn được bày bán tại các tuyến phố, chợ truyền thống và tại các trung tâm thương mại lớn. Điển hình là vụ Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo đồng loạt kiểm tra các cửa hàng tại trung tâm thương mại và các chợ lớn ở TP.HCM như: chợ Tân Hiệp Phát; Trung tâm thương mại Sài Gòn Square

Qua kiểm tra, quản lý thị trường đã phát hiện thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm là túi xách, mắt kính, quần áo, giày dép có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng; triệt phá 5 kho chứa và xưởng sản xuất dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu với số lượng lớn ở H.Bình Chánh...

Cũng theo nhận định của Tổng cục Quản lý thị trường, dự báo năm 2023 hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường đặt mục tiêu, thay đổi toàn diện phương thức làm việc; chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7 mọi lúc, mọi nơi. Trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường, tập trung phòng chống và xử lý hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.