Hiện các bộ ngành liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm thống nhất hướng quản lý, kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới dựa trên phân định cơ chế hoạt động, nguồn gốc nguyên liệu nicotine.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tận dụng tính bao quát sẵn có của luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) hiện hành để kiểm soát ngay các sản phẩm TLTHM nào đã được xác định là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá.
TLLN và TLĐT: Phân biệt đúng sản phẩm dễ bị trục lợi, biến tướng
Khác với thuốc lá điếu, TLLN và TLĐT không trực tiếp đốt cháy sản phẩm mà dùng thiết bị điện tử để làm nóng hoặc hóa hơi nguyên liệu sử dụng. TLLN sẽ dùng thiết bị để làm nóng nguyên liệu thuốc lá tự nhiên của cây thuốc lá để giải phóng chất nicotine. TLLN bao gồm thiết bị làm nóng, tẩu thuốc và sản phẩm thuốc lá đặc chế. Tẩu thuốc của TLLN chỉ hoạt động khi tiếp xúc với điếu thuốc lá đặc chế do nhà sản xuất cung cấp. Do vậy, khi người dùng tự ý thêm các chất hay dung dịch khác vào sản phẩm thì thiết bị sẽ không hoạt động.
Dùng TLLN 5 năm, anh Quang Hữu* (TP.HCM) cho biết, anh thấy ở Nhật người ta chỉ dùng sản phẩm này thay vì thuốc lá điếu nên dùng thử. Khi dùng thì anh thấy người ít ám mùi khói và cũng đỡ ho, khò khè hơn. Tuy nhiên anh cũng chia sẻ sản phẩm này chỉ phù hợp với người đã hút thuốc lá thông thường, vì không có và không thể trộn thêm nguyên liệu khác như TLĐT.
Còn TLĐT sẽ hóa hơi dung dịch có chứa hoăc không chứa nicotine. TLĐT có hai loại: hệ thống đóng - chỉ sử dụng dung dịch đóng gói sẵn từ nhà sản xuất, và "hệ thống mở" - cho phép người dùng pha trộn dung dịch, tăng giảm liều lượng nicotine, cho thêm mùi hương. Đây cũng là nguyên nhân gây ra ngộ độc do nhiều người lợi dụng cơ cấu hoạt động của TLĐT để pha trộn chất cấm, chất kích thích, hay ma túy để che mắt cơ quan chức năng.
Trong một vụ bắt giữ 100 thiết bị TLĐT tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, Công an Hà Nội đã cho giám định sản phẩm và phát hiện 100% số TLĐT này chứa chất ma túy ADB-Butinaca - một loại ma túy mới, đang ngụy trang không chỉ ở TLĐT, mà còn trong nhiều loại đồ dùng và thực phẩm mà giới trẻ thường dùng.
Sản phẩm chứa nguyên liệu thuốc lá cần được kiểm soát theo Luật PCTHTL
TLLN và TLĐT không phải là sản phẩm mới nổi mà đã có mặt trên thị trường chợ đen khoảng 7-8 năm nay. Từ năm 2017 Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan cần phối hợp đề xuất phương án quản lý mặt hàng này. Tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa ngã ngũ. Theo các chuyên gia, việc trì trệ quản lý đến từ quan điểm khác biệt, đó là ra quyết định cấm mới, hay áp dụng luật sẵn có để quản lý mặt hàng này.
Sau những ca ngộ độc TLĐT từ thị trường đen, có ý kiến cho rằng TLTHM gây ra nhiều tác hại đến cộng đồng nên đề xuất phương án cấm, bao gồm những loại TLĐT trá hình, không rõ nguồn gốc, và những sản phẩm TLLN.
Theo chuyên gia, việc đánh đồng tính gây hại của các sản phẩm chợ đen với những sản phẩm đã qua thẩm định khoa học, được nhiều nước công nhận, là một lựa chọn quá thận trọng, lợi bất cập hại.
Tương tự Việt Nam, nhiều nước đã đưa ra chính sách quản lý để phòng chống buôn lậu. Tại Nhật Bản, các nhà làm luật trước khi xây dựng chính sách đã phân loại rõ ràng từng loại TLTHM, áp dụng hướng tiếp cận kết hợp. TLĐT có chứa nicotine được Bộ Y tế quản lý như dược phẩm. Còn TLLN được xác định là sản phẩm thuốc lá do chứa nguyên liệu thuốc lá tự nhiên, nên được Bộ Tài chính kiểm soát cùng thuốc lá điếu.
Tại Trung Quốc, TLĐT và TLLN được quản lý theo pháp luật hiện hành, đồng thời chính phủ cũng đưa ra các chính sách ngăn chặn giới trẻ tiếp cận, bao gồm kiểm soát chặt độ tuổi của người mua, chưa cho phép giao dịch TLĐT trên các sàn thương mại điện tử...
Hiện Việt Nam đã có những bước khởi sắc trong việc đưa ra hướng quản lý đối với TLTHM. Bộ Công thương cho biết sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 67 về quản lý thuốc lá để trước mắt đưa TLLN vào quản lý, vì đây là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá, phù hợp với định nghĩa của Luật PCTHTL hiện hành.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, thuốc lá là một trong những sản phẩm thuộc hình thức quản lý của nhà nước dưới danh mục sản phẩm cấm và hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo luật Đầu tư, "Vì vậy, cần phải sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật, mà nhanh nhất là Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá, để đưa TLTHM vào quản lý ngay trong thời gian tới", ông Hải đề xuất.
Ông Hải nói thêm, sản phẩm không phải là thuốc lá mà là cần sa, ma túy hay các chất cấm khác nằm trong vỏ bọc của bất kỳ sản phầm nào thì đương nhiên thuộc danh mục hàng quốc cấm và không thuộc phạm vi để tiếp tục bàn thảo về vấn đề quản lý TLTHM.
* Nhân vật đã được đổi tên
Bình luận (0)