Cuộc binh biến thành Phan Yên (1833 - 1835) của Lê Văn Khôi

Quân miền Tây hành động

06/01/2025 04:17 GMT+7

Trong những giờ phút đầu tiên hay tin về cuộc nổi dậy, vua Minh Mạng đặt niềm tin vào Tổng đốc Long Tường là Lê Phúc Bảo...

PHẢN ỨNG ĐẦU TIÊN CỦA VUA MINH MẠNG

Giờ Tý [23 - 1 giờ sáng] ngày 26.5 năm Minh Mạng thứ 14 [1833], vua Minh Mạng mới nhận được những báo cáo đầu tiên từ tỉnh Biên Hòa gửi nói về việc có binh biến ở thành tỉnh Phan Yên. Vua Minh Mạng cho rằng quan tỉnh Biên Hòa "đêm hôm nghe tin báo, có phần không đúng sự thực". Nhà vua tính rằng lực lượng hai đội Hồi lương chẳng qua chỉ có 70 người, dù có tụ họp thêm đồng đảng cũng chẳng qua một vài trăm người. Ngược lại, quan binh trong tỉnh thành không phải là ít, có lẽ vào lúc này họ đã bắt giết được hết quân phản loạn.

Quân miền Tây hành động- Ảnh 1.

Chiến địa Định Tường trong bản đồ năm 1863

ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Vua Minh Mạng ra lệnh hai tỉnh Phan Yên, Biên Hòa phải làm rõ sự tình, đồng thời chỉ đạo cho Tổng đốc Long Tường nếu giặc chưa bị dẹp yên thì phái quan Lãnh binh dẫn quân tới giúp tiễu diệt. Ngoài ra còn lệnh cho đem binh lính các đội Hồi lương xen lẫn với lính tỉnh để quản thúc. Số quân Hồi lương được lệnh chia đi tỉnh Hà Tiên cũng đình lại. Tổng đốc Long Tường là Lê Phúc Bảo (người tỉnh Gia Định) được lệnh quyền lĩnh ấn quan phòng của Tổng đốc Yên Biên. Vua Minh Mạng còn chỉ định các viên quan sẽ thay chức Bố chính và Án sát tỉnh Phan Yên.

Nhà vua phản ứng như thể vụ phản loạn sẽ được dẹp tắt rất nhanh chóng. Nhưng cũng trong ngày đó, vua Minh Mạng nhận được tin báo của Tri phủ Tân Bình là Đinh Khắc Hài về việc quân Nguyễn Hựu Khôi phá ngục, thả tù nhân. Nhà vua ra lệnh cho bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận gửi quân tiếp viện cho tỉnh Phan Yên, tổng cộng 1.000 người.

TỔNG ĐỐC LONG TƯỜNG HÀNH ĐỘNG

Tin tức biến loạn ở Phan Yên bay đến miền Tây chậm hơn một chút so với Biên Hòa. Giờ Hợi [9 - 11 giờ tối] ngày 19.5, thự lý Tuần phủ Định Tường là Tô Trân được tin cáo cấp từ tỉnh Phan Yên do Nguyễn Chương Đạt và Giả Tiến Chiêm gửi. Tô Trân liền phi báo cho Tổng đốc Long Tường là Lê Phúc Bảo. Ngày 20.5, Lê Phúc Bảo nhận được tin báo cũng liền thông báo cho Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cương, một mặt phái Lãnh binh Vĩnh Long là Nguyễn Văn Khoa dẫn quân đi cứu Phan Yên. Ngày 23, Lê Đại Cương nhận được tin ấy. Lê Đại Cương sai Lãnh binh Lê Văn Hằng (Thực lục chép tên là Lê Văn Thường, người Kiến Hòa, tỉnh Định Tường) đem 100 quân ngồi thuyền đi hội với quân của Lê Phúc Bảo để đánh dẹp.

Ngày 24, giữa lúc quân nổi dậy giao chiến với quân tỉnh Biên Hòa ở bến Bình Đồng, một lực lượng của Long - Tường gồm 3 chiếc thuyền ván lồng, 3 chiếc thuyền lê, 7 chiến thuyền chu tới đóng ở ngã ba sông Nhà Bè. Chánh thủy Lưu Hằng Tín đem 200 thủy quân từ tỉnh Biên Hòa về, cho nổ súng bắn. Quân Long - Tường rút lui. Cùng ngày hôm đó, thự Án sát Vĩnh Long là Doãn Uẩn đang đi khám ruộng, nghe tin Phan Yên có biến, vội vã chạy về tỉnh thành nói chuyện với Tổng đốc Long Tường Lê Phúc Bảo. Bảo đáp rằng đã phái Lãnh binh Nguyễn Văn Khoa đi đánh. Uẩn thấy rằng "Bảo nguyên không có lòng đến cứu viện".

Ngày 27, khi được tin báo chính xác, Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cương liền đích thân đem Phó lãnh binh Vũ Văn Thường (người Phong Điền, Thừa Thiên) và "đại đội binh thuyền" đi tiếp ứng. Cùng ngày đó, Tổng đốc Long Tường là Lê Phúc Bảo thấy Lê Đại Cương cũng như thự Tuần phủ Định Tường Tô Trân thúc giục, mới chịu đem binh thuyền hai tỉnh Vĩnh Long, Định Tường tới đóng tại phần sông Bến Lức thuộc huyện Tân Long, tỉnh Phan Yên. Bấy giờ, Thành thủ úy Phan Yên là Nguyễn Văn Trị cũng dẫn 1.000 dân phu tới chỗ Lê Phúc Bảo. Bảo không dám tiến quân, mà ủy cho Lãnh binh An Giang là Lê Văn Hằng đem quân An Giang xuống đóng ở sông Tra Giang (hạ lưu sông Bến Lức).

Lúc này, Nguyễn Hựu Khôi thấy chư quân dần dần tập họp ở miền Tây thì cũng bắt đầu nghĩ cách đối phó. Trong thành Phan Yên, người ta công khai nói với nhau rằng sẽ tấn công Định Tường. Khôi sai các tướng Thái Công Triều, Dương Văn Nhã, Nguyễn Văn Trắm, Vũ Vĩnh Lộc đem đại đội binh thuyền theo sông lớn đi đánh miền Tây.

Giờ Tý [23 - 1 giờ sáng] ngày mồng 7.6, quân nổi dậy tấn công lực lượng quân miền Tây ở sông Tra Giang. Quân triều đình có 10 chiếc thuyền do Lãnh binh An Giang là Lê Văn Hằng chỉ huy. Quân nổi dậy dùng hỏa khí đánh hỏa công. Quân triều đình bại trận. Quản cơ Vĩnh Bảo Tả là Lê Văn Tiêu, Chánh đội trưởng Suất đội của cơ ấy là Nguyễn Văn Trực, Chánh đội trưởng thí sai Phó quản cơ là Sơn Đột đều tử trận. Một viên Quản cơ tỉnh Vĩnh Long bị bắt cùng 5 chiếc thuyền. Lãnh binh Lê Văn Hằng đem 4 chiếc thuyền còn lại chạy trốn. Thắng bại rốt cuộc sẽ ra sao? (còn tiếp) 

(Trích sách Phan Yên Thành binh biến ký - toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.