Quán quân 'Masterchef Vietnam 2013': Việt Nam chưa công nhận nấu ăn là nghề chuyên nghiệp

02/06/2018 15:46 GMT+7

Masterchef Vietnam 2013 Ngô Thanh Hòa chia sẻ trong nhận thức của nhiều người Việt thì nấu ăn vẫn là một hoạt động xa xỉ, mất thời gian, hoặc chỉ là 'trách nhiệm'. Và nghề bếp vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn.

Ngô Thanh Hòa sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết. Năm 21 tuổi, anh quyết định sang Úc du học tại Đại học Central QueenLand. Sau 18 năm sống và làm việc tại Úc, anh trở về Việt Nam năm 2012. Kể từ đây, cuộc đời anh thật sự mở sang trang mới, hoàn toàn khác biệt. 
Niềm đam mê nấu nướng trong anh được bắt nguồn từ những hương vị của mẹ. "Tôi đã biết nấu ăn từ năm 6 tuổi. Vì là con trai trưởng trong gia đình, tôi phụ giúp ba me trong các việc như nấu cơm, luộc rau, luộc trứng... Ban đầu đó là trách nhiệm của mình nhưng lâu dần nó trở thành niềm đam mê lúc nào cũng không rõ", anh nói. Qua chương trình Vua đầu bếp Việt Nam, anh cho thấy mình là người cực kỳ mê hương vị cá, việc nấu các món cá đối với anh luôn là điều thú vị.

Rời khỏi vị trí trưởng phòng tiếp thị một công ty nội thất nổi tiếng để theo nghề đầu bếp, Masterchef Vietnam 2013 cười vui khi chia sẻ: "Sau 8 năm làm việc và học tập miệt mài để nhận được bằng đại học chuyên ngành tiếp thị cùng với những kỹ năng cần thiết, với tôi tất cả những điều đó không thể nào so sánh được với niềm đam mê nấu nướng của mình".
Ngô Thanh Hòa (trái) bên đầu bếp danh tiếng Malaysia James Won
Chúng ta phải nhìn nhận rằng nghề đầu bếp là chuyên nghiệp và họ cũng làm việc như là một người nghệ sĩ, cũng sáng tạo nghệ thuật chứ không phải là chỉ biết làm những món ăn bình thường
Masterchef Vietnam 2013 Ngô Thanh Hòa
* Từ hồi anh đăng quang Masterchef Vietnam mùa đầu tiên, anh có nhiều thay đổi trong công việc?
- Ngô Thanh Hòa: Có chứ. Từ sau khi chương trình kết thúc đến giờ thì mới là một đoạn đường vài năm thôi nhưng với tôi thì có quá nhiều bài học quý báu. Tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều đầu bếp khác nhau, cả trong và ngoài Việt Nam khiến cho công việc của mình trở nên phong phú hơn. Tôi cũng được chia sẻ những gì mà mình đã học trước đây nữa. Tôi có cơ hội kết hợp những kinh nghiệm của mình với những cái mới để sáng tạo thêm giúp cho những bạn trẻ đam mê ẩm thực ở Việt Nam mình có một cái nhìn, một quan điểm mới hơn về ẩm thực Việt. Mỗi chuyến đi như vậy không thể tính bằng tiền được mà nó có những giá trị cao hơn. Tôi đã làm ra được những sản phẩm có tính kết hợp mới lạ, gọi là chút thành tựu trên con đường đang đi.
* Đích đến nghề nghiệp của anh có phải là những ngôi sao Michelin (giải thưởng danh giá trong ngành ẩm thực) hay không và vì sao ở Việt Nam những đầu bếp đạt sao Michelin này rất hiếm?
- Sao Michelin hay là đẳng cấp một sao, hai sao gì đó đối với tôi vài năm trước dường như rất xa xỉ, là thứ mình cảm thấy mình cũng chưa muốn nghĩ tới. Nhưng mà khoảng 1 - 2 năm nay, tôi nghĩ rằng tại sao mình không đặt một cái tiêu chí để phát triển và hướng đến để mình nâng tầm, vừa là kiến thức vừa là kỹ năng… Trong khi Việt Nam mình có nhiều cơ hội đó. Tôi nghĩ là nếu cố gắng chúng ta có thể làm được.
Việc ở Việt Nam mình chưa có hoặc chưa đạt được nhiều sao Michelin là do trước nay nghề đầu bếp vẫn được cho như một nghề không chuyên nghiệp. Mặc dù là mọi người có thể gọi chúng tôi là những đầu bếp chuyên nghiệp gì đó nhưng mọi người dường như quên rằng để đạt được những điều đó nó còn cần nhiều cái kỹ năng, kiến thức. Ở Việt Nam mình, những cái mới kết hợp mới lạ thì các đầu bếp lại ít làm. Và chúng ta cần nhìn nhận vấn đề rằng chúng ta phải học hỏi nhiều hơn, trau dồi nhiều hơn. Rồi một ngày nào đó, tiêu chuẩn đầu bếp quốc tế gắn sao Michelin không còn quá xa xỉ với Việt Nam.
Một món ăn của Ngô Thanh Hòa có sự pha trộn giữa ẩm thực phong cách Pháp và nguyên liệu đặc biệt từ Việt Nam như rau diếp cá, tôm hùm xanh...
* Anh có nhận thấy là cuộc thi Masterchef Vietnam không được chú ý bằng các phiên bản quốc tế khác không?
- Thật ra mà nói chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này theo nhiều khía cạnh. Chúng ta phải thấy rằng nghề đầu bếp được đánh giá khá cao ở nước ngoài và việc nấu nướng đã trở thành một kỹ năng. Ở Việt Nam chúng ta cứ bước ra đường là có một món ăn rồi. Việc nấu nướng ở nước ngoài sau một ngày làm việc là một cái điều gì đó gây hứng thú, một sự trải nghiệm đúng nghĩa. Ở Việt Nam họ dễ nghĩ nấu ăn là cái gì đó rất mất thời gian, là một nhiệm vụ... Với chương trình Masterchef, chương trình giúp chuyển đổi một người từ “thích nấu ăn” thành một “đầu bếp chuyên nghiệp”, đó là cái mình đang thiếu. Chúng ta chỉ có những người thích nấu ăn chứ không phải xem nấu ăn là một niềm đam mê thực sự. Chương trình Masterchef cần những người thích nấu ăn và có đam mê. Tôi tin rằng với sự hòa nhập trong thời gian tới của Việt Nam mình, những nền ẩm thực được giao thoa cũng như những người nước ngoài đến nước mình du lịch nó sẽ làm thay đổi được điều gì đó để chúng ta thấy rằng nấu ăn ở Việt Nam là một công việc, trải nghiệm rất lý thú. Đồng thời chúng ta phải nhìn nhận rằng nghề đầu bếp là chuyên nghiệp và họ cũng làm việc như là một người nghệ sĩ, cũng sáng tạo nghệ thuật chứ không phải là chỉ biết làm những món ăn bình thường thì chương trình Masterchef của mình mới có thể phong phú, tuyệt vời. Lúc đó chương trình mới thu hút được những người có đam mê, có tài năng đến để cống hiến những điều tuyệt vời mà họ có thể làm cho việc phát triển ẩm thực Việt Nam.
Bàn tiệc 3D mapping được các đầu bếp sáng tạo giúp việc thưởng thức mới lạ hơn
* Masterchef Junior ở nước ngoài dành cho trẻ em đã có nhưng ở Việt Nam vẫn còn thiếu, anh có nghĩ trẻ em Việt Nam nên thử sức ở một sân chơi như vậy hay không?
- Chúng ta phải nhìn nhận là “tre già thì măng mọc”. Những bạn trẻ đó là những tiềm năng mới, là tương lai của Việt Nam mình. Và tôi nghĩ rằng quan trọng không phải là nhất định phải có Masterchef nhí hay không, mà người lớn cần phải truyền năng lượng cho các bé thấy rằng nấu ăn, ẩm thực là một cái đam mê, là một công việc mà chúng ta không thể nào thiếu được. Vì chúng ta đều hiểu rằng mỗi ngày thức dậy ai cũng cần phải ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối… Vì vậy phải có những người làm điều đó. Sân chơi nấu nướng ở đây không chỉ đơn thuần là một người nấu món ăn mà là một sự kết hợp giữa tư duy sáng tạo, sự kiên nhẫn, sự tìm tòi. Tôi nghĩ sân chơi Masterchef nhí là một điều tuyệt vời, giúp cho các bạn trẻ từ chương trình đó học hỏi cũng như có thể làm được những việc mà trước nay các bạn chưa bao giờ muốn làm.
* Về việc sáng tạo trong món ăn như anh nói liệu anh có sợ làm mất đi những tinh túy, những hương vị cũ trong những món ăn truyền thống hay không?
- Khi chúng ta nấu một món ăn hay sáng tạo thì vẫn dựa trên những nguyên liệu truyền thống chứ không phải làm thành một món khác hoàn toàn. Có thể khi ăn xong chúng ta thấy rằng hương vị này nó quen quen nhưng vẫn không biết là ở đâu ra. Sáng tạo ở đây trên nền tảng cũ chứ không lấy những thứ hoàn toàn mới, người thưởng thức mất nhiều thời gian để chấp nhận. Kết hợp để người ăn vẫn có cảm giác thân quen mà món ăn trở nên phong phú hơn. Phải sáng tạo nếu không ngành ẩm thực Việt Nam vẫn cứ thế mãi và không đi xa thêm được nữa.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.