Quan sát nhật thực hiếm gặp ở Việt Nam: Sao cho an toàn?

18/04/2023 13:19 GMT+7

Sáng và trưa 20.4, hiện tượng nhật thực một phần sẽ xuất hiện tại nhiều tỉnh thành Việt Nam khiến nhiều người yêu thiên văn mong chờ. Làm sao để quan sát?

Hiện tượng nhật thực này được xem là một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất trong năm 2023 bởi nếu bỏ lỡ, sẽ còn rất lâu người Việt Nam mới có thể thuận lợi theo dõi được sự kiện tương tự.

Ở Việt Nam quan sát được những đâu?

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), nếu thời điểm mặt trăng đi qua giao điểm nằm giữa trái đất và mặt trời trùng với thời điểm mặt trời đang nằm trên giao tuyến nêu trên, nón bóng tối của mặt trăng quét qua trái đất, tạo thành một bóng đen. Những khu vực bị bóng đen bao phủ khi đó sẽ diễn ra nhật thực.

Thêm vào đó, vì mặt trăng có đường kính nhỏ hơn khoảng 400 lần so với mặt trời và khoảng cách từ nó đến trái đất cũng nhỏ hơn khoảng 400 lần so với khoảng cách từ trái đất đến mặt trời, nên mặt trăng có thể che vừa khít đĩa sáng mặt trời. Sự “tình cờ” này của tự nhiên đã giúp chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần.

Nhật thực hiếm gặp xuất hiện ở Việt Nam: Quan sát sao cho an toàn? - Ảnh 1.

Nhật thực luôn là hiện tượng kỳ thú đối với người yêu thiên văn.

PHẠM HỮU

Tuy vậy, nhật thực toàn phần thường diễn ra trong một phạm vi nhỏ, vì bóng của mặt trăng in xuống trái đất chỉ tạo thành một vết rất nhỏ và lướt đi rất nhanh. Những khu vực lân cận còn lại có thể quan sát nhật thực một phần. Nhờ nhật thực, một phần lớn ánh sáng của mặt trời chiếu trực tiếp tới vị trí của người quan sát trên trái đất bị che khuất.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết trưa ngày 20.4 này sẽ diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần với dải quan sát được toàn phần rộng chỉ vài chục km chạy qua rìa phía đông Indonesia, Đông Timor, Tây Úc và Papua New Guinea.

Nhật thực hiếm gặp xuất hiện ở Việt Nam: Quan sát sao cho an toàn? - Ảnh 2.

Ngày 20.4, nhiều tỉnh thành Việt Nam có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực một phần kỳ thú

HUY ĐẠT

“Tuy nhiên, tại Việt Nam, chúng ta không thấy được nhật thực toàn phần và chỉ quan sát được nhật thực thông thường với độ che khuất rất thấp. Cụ thể khu vực quan sát được nhật thực ở Việt Nam lần này chỉ dành cho khu vực từ nam Quảng Trị trở vào phía Nam. Càng về phía nam độ che phủ càng lớn, nhưng ngay ở mũi Cà Mau nơi có độ che phủ lớn nhất của nhật thực lần này cũng chỉ là hơn 5% một chút”, ông Tuấn cho biết.

Quan sát nhật thực như thế nào?

Ông Anh Tuấn nhận định nhật thực và ngay cả nhật thực toàn phần không hiếm, nó diễn ra thường xuyên vào các năm. Nhưng khác với nguyệt thực vùng quan sát được gần như là cả một nửa địa cầu, nhật thực chỉ quan sát được trong một dải hẹp.

Nhật thực hiếm gặp xuất hiện ở Việt Nam: Quan sát sao cho an toàn? - Ảnh 3.

Để đảm bảo an toàn, mọi người nên quan sát bằng các thiết bị chuyên dụng.

HUY ĐẠT

“Vì thế với Việt Nam chúng ta, nhật thực lần này chỉ dành cho khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ. Nhật thực lần này độ che phủ rất ít, nhưng nó cũng khá quý giá vì phải cho đến mãi ngày 2.8.2027 Việt Nam chúng ta mới có lại nhật thực một phần. Tuy nhiên ngay cả lần này cũng khó quan sát được khi nó diễn ra vào lúc hoàng hôn, khi mặt trời gần như sát chân trời sẽ có thể bị cản trở bởi mây”, cựu Chủ nhiệm HAAC thông tin thêm.

Theo số liệu từ Time and Date, tại TP.HCM nhật thực diễn ra sáng và trưa ngày 20.4 sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ 36 phút. Sau đó, hiện tượng đạt cực đại vào lúc 11 giờ 20 phút với độ che phủ là 5,2%. Đúng 12 giờ 6 phút, hiện tượng kết thúc.

Chuyên gia nhấn mạnh để quan sát nhật thực cần đảm bảo các thiết bị an toàn bảo vệ cho mắt. Các biện pháp quan sát nhật thực an toàn phổ biến có thể kể đến là quan sát với kính xem nhật thực chuyên dụng (kính sử dụng các loại phim lọc theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt có thể đảm bảo giảm độ sáng đến mức an toàn và ngăn ngừa được tia cực tím, hồng ngoại).

Nhật thực hiếm gặp xuất hiện ở Việt Nam: Quan sát sao cho an toàn? - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, người yêu thiên văn có thể theo dõi hiện tượng này bằng cách quan sát qua chậu nước pha mực, có thể để một tấm gương ở dưới đáy chậu nước để phản xạ mặt trời tốt hơn. Người quan sát cũng có thể sử dụng ống nhòm và kính thiên văn với phim lọc chuyên dụng ở vật kính, hoặc sử dụng phương pháp chiếu ảnh hoặc quan sát với kính thợ hàn loại số 14 trở lên.

“Các bạn không nên quan sát trực tiếp khi không có bất kỳ thiết bị bảo vệ mắt nào hay quan sát với kính râm loại rẻ tiền. Thậm chí ngay cả kính râm đắt tiền cũng không được thiết kế để nhìn thẳng vào mặt trời. Mặt khác, các biện pháp quan sát trước đây từng được một số nguồn hướng dẫn nhưng hiện nay được đánh giá là thiếu an toàn gồm quan sát với ruột đĩa mềm, phim ảnh lộ sáng, quan sát với phim chụp X quang…”, ông Tuấn khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.