Tự phục vụ, tự trả tiền
Nằm trên tầng 4 của một căn nhà tập thể cũ ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) quán trà thảo mộc Sứt Nứt khép mình với không gian yên tĩnh. Chậm rãi lên những bậc thang, cảm nhận mùi thơm thoang thoảng của trà thảo mộc, lắng nghe những bản nhạc du dương, cảm giác thư thái khiến nhiều người ấn tượng khi lần đầu đến đây.
Gọi là quán nhưng không có biển hiệu, chỉ có một bảng chỉ dẫn khách gửi xe có in tên quán. Khách lạ mới rất ngạc nhiên vì phải tự phục vụ, tự do với không gian mình lựa chọn.
Chị Đỗ Hương (26 tuổi, chủ quán trà) cho biết chị chỉ hướng dẫn thực khách cách pha trà thơm, ngon, đậm đà. Thực khách đến sẽ tự phục vụ bản thân, tự chọn trà, ấm chén và dùng xong sẽ tự rửa.
Đồ uống ở đây chủ yếu là các loại trà thảo mộc không gây mất ngủ như: trà hoa, trà cổ thụ, trà hoa quả và các loại gia vị thay thế.
Quán trà mở gần 2 năm nay, thời gian đầu chủ yếu để thoả mãn niềm đam mê về trà của bản thân chị Hương và bạn bè thân quen. Dần dần, mọi người biết đến quán nhiều hơn bởi không gian yên tĩnh và phong cách phục vụ độc đáo.
|
|
|
“Nhiều người đang thiếu đi việc tự cảm nhận bản thân đang cần cái gì và muốn cái gì. Thêm nữa, quán được mở ra để thực khách sống chậm hơn vì uống trà không thể uống vội, uống nhanh được. Khách sẽ tự phục vụ để bớt sống vội, hiểu bản thân nhiều hơn”, chị Hương cho hay.
Quán nằm trên một khu tập thể cũ, không phải mặt đường nên ít khách vãng lai. Ngoài tự phục vụ, quán còn tổ chức một số hoạt động trò chuyện về trồng cây, nấu ăn, kỹ năng mềm để các bạn trẻ có thêm trải nghiệm.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Hương cho biết chị muốn đưa các loại trà thảo mộc tốt cho sức khoẻ đến nhiều người. “Trước đây mở quán còn ít khách lắm, có ngày chỉ được một vài khách. Nhưng dần dần cũng được nhiều người thích, biết đến nên đông hơn. Thời gian trước tôi có công việc ở ngoài muốn tìm một không gian để xả stress nên quán cũng bắt đầu từ đó”, chị Hương tiết lộ.
|
|
|
Ấm chén cái nào cũng... sứt, nứt
Quán trà thảo mộc này có tên là Sứt Nứt. Các ấm trà đều sử dụng đồ gốm Nhật để thực khách luôn cảm nhận được vị ngon của trà. Tên quán không phải đặt cho có mà vì các đồ vật ở quán là bị sứt và nứt thật và gần như mỗi thứ chỉ có duy nhất một chiếc.
“Thực ra tôi cũng có thói quen đi mua đồ gốm, những cái nào méo mó, sứt nứt người ta bán rẻ nhưng vẫn dùng được. Ngoài ra, khách đến đa phần cũng có tâm trạng thầm kín, không chia sẻ được cũng gọi là sứt, nứt nên tôi lấy đó đặt tên cho quán”, chị Hương tiết lộ.
Thời gian đầu mở quán, chị Hương gặp không ít khó khăn, một trong số đó là việc người thân phản đối. Nhưng gạt qua trở ngại, chị cố gắng tự lập, cố gắng để bố mẹ yên tâm hơn về quyết định của mình.
“Hiện tại tôi lui dần về làm trà, thời gian đầu mọi người thường thắc mắc tại sao bỏ một công việc ổn định về mở quán. Gia đình có cảm giác sẽ không có kinh tế, bạn bè nhiều người cũng nghĩ đó là việc hơi điên. Nhưng “nói hay không bằng hành động” tôi cứ tự cố gắng làm mọi thứ với kiểu kinh doanh này, giờ khách đến cũng đông hơn”, chị Hương tâm sự.
|
|
|
|
|
Nhiều khách lạ khi đến đây cũng ngạc nhiên bởi vì phải tự phục vụ. “Nhiều khi khách đến cứ ngó nghiêng không biết đây quán thật hay không nhìn biểu cảm trên mặt họ tôi cũng buồn cười, vui vui. Khi họ được trải nghiệm việc tự pha trà, thưởng trà hay chơi với mèo sẽ được giải toả các mệt mỏi và đó cũng là niềm vui của mình”, chị Hương nói.
Phạm Hữu Hiếu (19 tuổi, sinh viên) cho biết anh đến quán trà tự phục vụ để tìm cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Đây là lần đầu tiên anh đến quán nên có những cảm nhận khác biệt, mới lạ.
“Đến đây không gian khá yên tĩnh, mình có thể thư giãn giải toả căng thẳng. Tự làm mọi thứ, thưởng thức trà cũng có cảm giác ngon hơn, khác lạ hơn với bình thường”, Hữu Hiếu chia sẻ.
Cùng cảm nhận, chị Đặng Khánh Linh (28 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết bản thân thường đến tiệm trà này để lựa chọn những loại trà mình thích, tự pha và tận hưởng. “Việc tự phục vụ cũng khá thú vị thay vì mình trả tiền và chọn nước như bình thường, cuối tuần có thời gian rảnh mình cũng hay ghé qua sau khoảng thời gian làm việc bận rộn”, chị Linh nói.
Bình luận (0)