Sáng 22.5, phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã báo cáo và bàn thảo về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn lịch sử cấp THPT.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng sửa môn lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc "không dễ như gõ bàn phím" |
NGỌC THẮNG |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 29 của T.Ư và Nghị quyết 88 của Quốc hội về hai giai đoạn giáo dục phổ thông, ở cấp THPT phân hóa, giảm số môn học bắt buộc và tăng môn học, chủ đề tự chọn.
Việc giảm môn học nào, đưa môn học nào bắt buộc, môn học nào lựa chọn thì Bộ GD-ĐT xây dựng.
Bà Thúy khẳng định việc xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật với các quá trình xây dựng và xin ý kiến góp ý đầy đủ các cấp trước khi ban hành chính thức bằng nhiều hình thức khác nhau.
Với chương trình môn lịch sử, bà Thúy cũng cho biết trước khi ban hành đã được xin ý kiến và được sự đồng ý của Hội Khoa học lịch sử trước khi ban hành.
Trong 4 năm thai nghén, dự thảo chương trình đã được xin ý kiến từ cấp thấp đến cấp cao. Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các cơ quan, tổ chức, Chương trình đã được ban hành.
"Tôi nhất trí quan trọng là phải xây dựng chương trình môn học như nào, dạy học ra sao để học sinh yêu thích môn lịch sử. Tuy nhiên, không phải vì học sinh không yêu thích mà bắt buộc các em phải học môn lịch sử khi đã lên đến cấp THPT", bà Thuý nói.
Bà Thuý đặt vấn đề: Nói lựa chọn là trao quyền cho người học, nếu chúng ta lấy ý kiến các cơ quan, các chuyên gia nhưng chúng ta đã lấy ý kiến của người học chưa?.
"Dân ta phải biết sử ta" chẳng nhẽ chỉ cần với người học ở trình độ cao?
Bà Kim Thúy phát biểu: Đồng ý là "Dân ta phải biết sử ta" nhưng thực tế hiện có một bộ phận học sinh học hết lớp 9 thì chuyển sang học nghề và không học lịch sử ở cấp THPT nữa. Bởi vậy “dân ta biết sử ta” thì chỉ người có trình độ cao thì cần học lịch sử còn người học khác thì không hay sao?
Ở góc độ khoa học giáo dục, theo bà Thúy, nếu sửa chương trình môn lịch sử thành bắt buộc thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp trung học cơ sở vì hiện nay chương trình phân môn lịch sử ở cấp trung học cơ sở đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới.
Việc dạy học bắt buộc là đại trà. Do vậy, nếu đưa chương trình môn lịch sử vốn được thiết kế, biên soạn theo hướng lựa chọn, phân hóa, "nâng cao" ở cấp trung học phổ thông để bắt tất cả học sinh học là hoàn toàn không phù hợp.
"Đồng ý chúng ta phải lắng nghe dư luận nhưng chúng ta phải xem Bộ GD-ĐT ban hành chương trình đó là đúng hay là sai nếu đúng thì chúng ta phải kiên quyết bảo vệ cái đúng. Nếu sai thì phải trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi. Và nếu sai thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm", bà Thuý phân tích.
Bà Thúy đặt vấn đề: "Sửa trong bối cảnh này có phù hợp hay không khi chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu. Sửa vào bối cảnh này có phù hợp không hay là “đẽo cày giữa đường”. Đó là những vấn đề chúng ta phải xem xét thật kỹ".
"Tôi nghĩ bộ có khoảng trống về tuyên truyền phổ biến và chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình này", bà Thúy nói và mong các đại biểu cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ các thông tin khi thảo luận về nội dung này.
Sau phát biểu của đại biểu Kim Thúy, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, khẳng định: về chuyên môn, chương trình giáo dục phổ thông mới có sự tiến bộ, có đổi mới, công phu. "Cái nhân dân đề nghị khối kiến thức bắt buộc để tất cả học sinh học. Người ta chỉ đặt vấn đề không cho toàn bộ học sinh khối kiến thức đó chứ không đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông", ông Vinh nói.
Báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng: "Đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn".
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.
Bình luận (0)