Họ không chỉ là người thuộc thế hệ trước mà còn có cả chuyên gia trẻ học tập và trưởng thành nơi xứ người.
Chuyên gia sử học Đông Á
Nhiều năm qua, Giáo sư Ngô Vĩnh Long (69 tuổi) luôn được giới chuyên gia sử học thế giới biết đến như một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Đông Á, đặc biệt là Đông Nam Á, cũng như quan hệ giữa Mỹ với châu Á. Lớn lên tại Việt Nam, vào thập niên 1960, ông nhận học bổng của Đại học Harvard và trở thành một trong những người Việt đầu tiên thi đỗ vào ngôi trường danh tiếng này. Đến năm 1978, ông nhận học vị tiến sĩ của Harvard với chuyên ngành lịch sử Đông Á. Từ năm 1985 đến nay, ông là giáo sư tại Đại học Maine (Mỹ).
|
Suốt gần nửa thế kỷ qua, ông đã có hàng trăm công trình nghiên cứu. Trong đó, vào năm 1973, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) xuất bản cuốn sách của ông mang tên Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French (Trước Cách mạng: Nông dân Việt Nam dưới thời thuộc Pháp). Thời điểm đó cuốn sách gây sự chú ý sâu rộng trong giới nghiên cứu sử học thế giới vì chứa đựng nhiều thông tin quý giá về đời sống người nông dân Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Đến năm 1991, Đại học Columbia (Mỹ) lại xuất bản cuốn sách này một lần nữa.
|
Nhiều năm qua, Giáo sư Long cũng nối kết mạnh mẽ với cộng đồng nghiên cứu sử học Việt Nam. Chính ông là người đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách 5 đường mòn Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Tri Thức, năm 2008) được viết bởi nhà nghiên cứu Đặng Phong. Cuốn sách cung cấp những thông tin quý giá về quá trình chi viện cho miền Nam trong suốt những năm chiến tranh chống Mỹ.
Đặc biệt, tại nhiều cuộc hội thảo quốc tế gần đây, Giáo sư Ngô Vĩnh Long còn liên tục trình bày những tham luận khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước giới học giả thế giới, ông đã chỉ ra nhiều bằng chứng thuyết phục để bẻ gãy luận điệu ngang ngược của Trung Quốc khi nước này tuyên bố bản đồ “đường lưỡi bò” nhằm thâu tóm toàn bộ biển Đông.
Dạy sử truyền miệng
Nếu Giáo sư Ngô Vĩnh Long là nhà nghiên cứu của thế hệ trưởng thành tại Việt Nam thì tiến sĩ Thúy Võ Đặng (34 tuổi) lại thuộc thế hệ lớn lên tại Mỹ. Gần đây, dự án Lịch sử truyền khẩu của người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Oral History Project - VAOHP), do cô chủ trì, được biết đến rộng rãi trong làng nghiên cứu sử học về cộng đồng người Mỹ gốc Á, theo website của Trường University of California – Irvine (UCI). Sinh ra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và đến Mỹ vào năm 1984, Thúy Võ Đặng nhận học vị tiến sĩ của Trường University of California - San Diego vào năm 1984 rồi nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường University of California - Los Angeles từ năm 2009 - 2010. Sau đó cho đến nay, tiến sĩ Thúy giảng dạy và nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại UCI.
|
Qua quá trình giảng dạy thực tế, cô nhận ra rất nhiều sinh viên gốc Á hoàn toàn xa lạ đối với những vấn đề liên quan đến đất nước, dân tộc mình. Những sinh viên này khó lòng chia sẻ, thấu hiểu những gì mà ông cha họ đã trải qua. Trong khi đó, những gì thế hệ trước đã trải qua lại là một kho tàng quý giá mà giới trẻ cần biết. Tiến sĩ Thúy càng tâm tư hơn khi trong số đó có không ít sinh viên gốc Việt. Vì thế, cô bắt tay thực hiện dự án VAOHP với mục tiêu là: “Giờ đây, chúng ta rất cần ghi lại những gì mà người nhập cư (gốc Việt - NV) trải qua và họ đã ổn định cuộc sống như thế nào”. Để thực hiện VAOHP, tiến sĩ Thúy tiếp cận và phỏng vấn những người thuộc thế hệ trước của người Việt đang sinh sống tại Mỹ. Thông qua đó, người trả lời sẽ kể những câu chuyện về quá trình họ nhập cư và ổn định nơi xứ người. Ngoài ra, các sinh viên cũng được khuyến khích tìm hiểu câu chuyện từ chính những người lớn trong gia đình để chia sẻ và giới thiệu lại trong giờ học. Đây cũng là cách để thế hệ trẻ trao đổi và chia sẻ nhiều hơn cùng người thân lớn tuổi, giúp họ hiểu rõ hơn về cộng đồng gốc Việt đã định cư như thế nào trên đất Mỹ. Không chỉ là câu chuyện về cuộc sống mà còn cả văn học, nghệ thuật. Tất cả được tập hợp để dần trở thành một cơ sở dữ liệu do chính những người từng trải kể lại. Trang mạng của VAOHP cũng lưu trữ lại toàn bộ những dữ liệu đó để nhiều người có thể tiếp cận. Nhờ đó, dự án này ngày càng thu hút cộng đồng người Việt trên thế giới. Xa hơn, đây có thể còn là một phần cần có để hệ thống hóa lịch sử người Việt về sau.
Hoàng Đình
>> Dấu mốc lịch sử
>> Giúp học sinh thích lịch sử
>> Học lịch sử ở bảo tàng
>> Viết lại lịch sử Stonehenge
>> Làm sống lại lịch sử qua kỷ vật
>> Liên tục tái bản sách lịch sử cho thiếu nhi
Bình luận (0)